Nhiều doanh nghiệp muốn nhanh chóng hoàn thành tiền sử dụng đất để trả “sổ đỏ” cho khách hàng nhưng điều này lại không dễ dàng. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho rằng, chủ đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn khi nộp tiền sử dụng đất.

“5 cái khó” của doanh nghiệp khi nộp tiền sử dụng đất

5 cái khó của doanh nghiệp

Một là, chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất hay đã nộp và được cấp sổ hồng 1 phần nhưng nay không được cấp tiếp vì có vướng mắc phải nên phải tính toán lại toàn bộ tiền sử dụng đất. Có thể kể đến một số tập đoàn bất động sản rơi vào trường hợp này như: Hưng Thịnh, Novaland, Him Lam, Sonkimland…

Hai là, quy định về việc xác định diện tích tính tiền sử dụng đất còn thiếu hợp lý. Theo văn bản số 6211/STNMT-QLĐ ngày 23/7/2020 mà Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố thì toàn bộ khuôn viên đất xây dựng khu nhà ở chung cư (sau khi đã loại bỏ lộ giới giao thông, hành lang an toàn, bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư, phần khối đế, vườn hoa, hồ bơi, sân chơi, …) phải được xác định là đất ở để tính tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, HoREA nhận thấy, quy định này chỉ phù hợp với những chung cư nhỏ vì diện tích đất xây dựng các cơ sở giáo dục, vui chơi giải trí, hồ bơi, vườn hoa… không thuộc diện phải bàn giao cho địa phương hay đơn vị chuyên ngành quản lý. Trong khi đó, đối với những dự án lớn chủ đầu tư phải bàn giao lại cho địa phương thì không thể tính tiền sử dụng đất được.

Ba là, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, lúc này sẽ có 3 trường hợp xảy ra. Thứ nhất, điều chỉnh nhưng toàn bộ mọi chỉ tiêu đặc biệt là hệ số sử dụng đất không thay đổi thì không phát sinh nghĩa vụ tài chính. Thứ hai, điều chỉnh làm chủ đầu tư phát sinh thêm lợi ích thì phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung. Thứ ba, hoàn tiền sử dụng đất khi điều chỉnh làm giảm hệ số sử dụng đất, nhà đầu tư không có nhiều sản phẩm kinh doanh.

Ông Châu nhận định, việc lập quy hoạch và xin phê duyệt phải được thực hiện khoảng 3 - 5 năm trước khi dự án khởi công. Nhưng đó là khoảng thời gian đủ dài để thị trường biến động, khách hàng thay đổi nhu cầu nên chủ đầu tư phải xin điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch.

Trong quá trình này, phần lớn các doanh nghiệp bị vướng mắc vì không có cơ quan chuyên môn xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh, mà quan trọng nhất là doanh nghiệp có phát sinh tiền sử dụng đất hay không. Theo ông Châu, cần có một bộ phận giải quyết nhanh cho doanh nghiệp.

Bốn là, liên quan đến việc đầu tư, góp vốn. Trong đó, có hai loại hình là chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng dự án. Việc xác định doanh nghiệp thuộc loại hình nào thì đó là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, thời gian làm việc này lại kéo dài dẫn đến việc cấp sổ hồng bị chậm trễ. Dù làm đúng theo pháp luật đầu tư, kinh doanh nhưng doanh nghiệp không còn cách nào khác là chờ đợi.

Năm là, khi trao đổi với các tập đoàn, Hiệp hội nhận thấy các dự án đều có điểm chung là trình hồ sơ lên Sở Tài nguyên Môi trường để được cấp sổ hồng nhưng thời gian giải quyết chậm.

"Tôi mong các Sở, Ban, Ngành quan tâm, tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình, gồm cả tiền sử dụng đất lần đầu hay bổ sung", ông Châu bày tỏ.

(Tổng hợp bởi odt.vn)