Nhiều nhà đầu tư vẫn đang mong chờ giá bất động sản giảm mạnh sau cơn sốt từ cuối năm 2020 cho tới vừa qua, tuy nhiên trên thị trường hiện nay ghi nhận nhiều khu vực đã tạo lập một mặt bằng giá mới, giá không giảm mà chỉ đi ngang.

Bất động sản tại miền Nam xác lập mặt bằng giá mới sau “cơn sốt”

Giá không giảm dù lượng giao dịch ít

Tại khu vực phía Nam, cơn sốt đất có lẽ đã đi qua sau một thời gian tăng khá “nóng”. Tuy nhiên trái với suy đoán của nhiều người, giá đất nhiều nơi không giảm bất chất số lượng giao dịch đang giảm đi thấy rõ.

Đơn cử tại TP.HCM, theo ghi nhận của phóng viên giá đất tại một số huyện vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ đã tăng khoảng từ 3-20% chỉ trong vài tháng đầu năm 2021, đến thời điểm hiện tại giá có xu hướng chững lại và đi ngang. Số lượng giao dịch liên quan tới các bất động sản có giá bán “cắt lỗ” trên thực tế vẫn có nhưng không đại diện cho thị trường chung. Thị trường dù đã bớt nóng nhưng giá đất vẫn không quay về mức giá trước đó.

Bên cạnh khu vực vùng ven, tâm điểm của cơn sốt đất vẫn là TP.Thủ Đức kéo dài từ cuối năm ngoái cho tới nay. Bắt nguồn từ khi chính thức được thành lập thành phố Thủ Đức, giá đất tại đây đã liên tục leo thang bất chấp dịch bệnh. Hiện nay ghi nhận giá đất tại một số khu vực như đường Nguyễn Phước Thiện, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam vẫn nằm ở nền giá từ 80 cho tới 100 triệu đồng/m2. Giá tăng cao trong bối cảnh hiện nay khiến cho nhu cầu mua nhà của người dân gặp nhiều khó khăn.

Thị trường phía Nam cho thấy không chỉ riêng TP.HCM mà ngay cả các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng có xu hướng tương tự. Lấy ví dụ tại một số nơi tại Đồng Nai và Long An, trong đỉnh điểm của cơn sốt đã tăng từ 10 – 15%, thậm chí một số khu vực còn tăng tới 30%, tuy nhiên hiện nay giá vẫn không giảm bất chấp dịch bệnh tại TP.HCM đang bùng phát mạnh đang khiến cho việc đi lại giao dịch bất động sản trở nên vô cùng khó khăn.

Tại Bình Dương, thị trường giáp ranh với TP.HCM, nơi xuất hiện hàng loạt dự án chung cư mới trong thời điểm cuối năm ngoái, giá bất động sản tại đây đã gần như xác lập một mặt bằng mới và rất khó cho việc quay về vùng giá trước đây. Đây cũng được coi là địa phương “dẫn đầu” của Việt Nam trong việc đón đầu làn sóng bất động sản khu công nghiệp. Mới đây nhất theo tổng cục thống kê, mức lương bình quân của tỉnh này đã vượt qua cả TP.HCM và Hà Nội, điều này chứng tỏ đây đang là địa phương thu hút được đông đảo lực lượng lao động và có sự phát triển khá bền vững. Điều đó phần nào lý giải cho việc giá bất động sản tại Bình Dương vẫn “giữ giá” trong thời gian vừa qua.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn thị trường bất động sản miền Nam bước vào “vùng trũng thông tin” trong quý 2 cộng với tác động của dịch Covid – 19 khiến cho thị trường trở nên trầm lắng. Tuy nhiên xu hướng chính của thị trường hiện nay sẽ khiến cho kịch bản giá đất giảm sâu rất khó xảy ra. Hiện tại, với nhu cầu đầu tư vào bất động sản vẫn còn lớn, cộng với việc các nhà đầu tư đa phần lựa chọn phương án đầu tư dài hạn nên mặc dù thị trường đã bớt nóng hơn nhưng không dễ để tìm mua được các bất động sản có mức giá như trước đây vài tháng. Với mức lãi suất ngân hàng vẫn đang ở vùng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, tiền vẫn sẽ đổ về bất động sản làm nơi đầu tư an toàn. Trong bối cảnh dịch bệnh, các kênh đầu tư khác trở nên khó khăn thì việc nắm giữ bất động sản vẫn là lựa chọn của số đông người dân. Bên cạnh đó nguồn cung bất động sản hiện nay cũng không dồi dào sẽ khiến thị trường ổn định và ít biến động trong thời gian sắp tới.