Chưa bao giờ thị trường doanh nghiệp ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Hàng loạt các nhà đầu tư quốc tế đang tìm về đây hoạt động. Tuy nhiên, không phải dự án đầu tư nào cũng được triển khai. Bởi lẽ, cơ quan Nhà nước sẽ phải tiến hành thẩm định dự án đầu tư để đánh giá tính hiệu quả, khả thi và ra quyết định có thực hiện hay không. Vậy việc thẩm định này được tiến hành như thế nào?
1. Khái niệm về thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định dự án đầu tư là quá trình nghiên cứu, phân tích một cách khoa học, khách quan, toàn diện tất cả các mặt kinh tế, kỹ thuật của dự án đặt trong mối tương quan với môi trường tự nhiên. Căn cứ vào đây, cơ quan thẩm quyền sẽ đánh giá được hiệu quả của dự án, giá trị tài chính – xã hội mà nó mang lại. Cuối cùng là quyết định xem dự án có được đầu tư hay không.
Nhìn chung, khi nhận được hồ sơ thẩm định đầu tư của một dự án. Cơ quan chức năng sẽ phải thực hiện những công việc sau:
- Kiểm tra chi tiết kĩ càng các nội dung của dự án. Đặc biệt, cần phải xem xét dự án có đầy đủ không?
- Thiết lập và so sánh chỉ tiêu sẽ thực hiện được của dự án với chỉ tiêu mà nhà đầu tư đưa ra. Ngoài ra, cơ quan còn có thể so sánh với một dự án tương tự khác.
- Ban hành kết luận thẩm định
2. Quy trình lập và thẩm định dự án
Căn cứ theo Luật Xây dựng và văn bản hướng dẫn thi hành, quá trình thẩm định một dự án đầu tư được thực hiện theo quy trình sau:
2.1. Thu thập tài liệu, các thông tin cần thiết
2.1.1. Hồ sơ của đơn vị
- Giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký thành lập công ty, doanh nghiệp
- Tài liệu bổ nhiệm vị trí cho các chức năng ban giám đốc, kế toán trưởng
- Biên bản về bầu hội đồng quản trị
- Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối tài chính, hồ sơ vay vốn…
2.1.2. Hồ sơ của dự án
- Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của dự án
- Các luận chứng về kinh tế do cơ quan cấp cao phê duyệt
- Giấy tờ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp
- Hợp đồng đầu vào và đầu ra
- Giấy tờ giao đất, cho thuê đất, cấp phép sử dụng đất.
2.1.3. Các tài liệu, thông tin khác
Còn tùy thuộc vào tính chất, quy mô dự án mà ngoài những tài liệu, thông tin trên, cơ quan thẩm định còn có thể thu thập thêm:
- Tài liệu về quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển kinh tế xã hội
- Các văn bản quy phạm pháp luật về việc đầu tư trong nước lẫn nước ngoài
- Tài liệu thống kê do Cục Thống kê hoặc Tổng cục Thống kê ban hành
- Các văn bản về pháp luật có liên quan đến việc đầu tư trong nước và nước ngoài.
- Tài liệu phân tích thị trường tại khu vực triển khai dự án, trên cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài. Giấy tờ này phải do các trung tâm chuyên nghiên cứu vấn đề thị trường cung cấp
- Văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành, chuyên gia, hội đồng chuyên môn
- Văn bản ghi nhận việc tiếp xúc, phỏng vấn chủ đầu tư.
2.2. Xử lý và đánh giá thông tin
Giấy tờ, tài liệu đã thu thập là cơ sở dữ liệu đầu tiên để cơ quan thẩm định dự án. Sau khi thu thập đầy đủ, họ sẽ tiến hành xử lý, phân tích thông tin mà mình có được. Từ đó, họ sẽ đưa ra được nhận định chính xác hơn. Trường hợp cần thiết, họ vẫn có thể yêu cầu thêm tài liệu ở bước này. Suy cho cùng, mục đích hướng đến là lập và thẩm định dự án đầu tư được nhanh, công tâm, chính xác nhất.
2.3. Lập tờ trình về thẩm định dự án đầu tư
Sau khi đã hoàn thành hai bước trên, cán bộ chịu trách nhiệm thẩm định phải lập tờ trình về việc thẩm định dự án. Nội dung của tờ trình phải có các nội dung dưới đây:
- Doanh nghiệp: Khái quát tình hình sản xuất, tính hợp pháp
- Dự án: Tóm tắt thông tin cơ bản nhất về dự án
- Kết quả thẩm định như thế nào
- Phương hướng giải quyết cho các vấn đề mà dự án đang gặp phải
Đó là toàn bộ 3 bước cơ bản để lập và thẩm định dự án đầu tư. Nếu bạn đọc còn quan tâm đến các chủ đề khác như xây dựng, thiết kế, kinh nghiệm mua bán nhà đất thì hãy theo dõi bất động sản ODT thường xuyên nhé.