Trong khi quỹ đất tại các độ thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội ngày càng khan hiếm, các nhà đầu tư như FLC, T&T, Vingroup,…đã chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh Tây Nguyên.
Tây Nguyên sở hữu nhiều lợi thế thu hút đầu tư
Tây Nguyên với diện tích tự nhiên hơn 54.000km2 gồm 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, và Kon Tum. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước có nhiều thế mạnh, lợi thế thu hút đầu tư.
Trong đó, những năm gần đây, Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, góp phần giúp việc đi lại trở nên thuận tiện, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, đồng thời có quỹ đất rộng lớn chưa được khai thác.
Cụ thể, theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, nhu cầu đất xây dựng đô thị của Tây Nguyên đến năm 2020 là khoảng 23.880ha và đến năm 2030 là khoảng 33.470ha.
Đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị, trong đó có 28 đô thị mới được đầu tư, xây dựng. Về giao thông, chỉ trong năm 2020, Gia Lai đã hoàn thành và khởi công xây dựng 13 dự án giao thông trọng điểm. Kom Tum cũng đầu tư xây dựng cầu đường, phục vụ cho giao thông thuận tiện.
Tại Gia Lai và Đắk Lắk, phải kể đến những dự án tuyến cao tốc Gia Lai – Bình Định và Đắk Lắk – Khánh Hoà.
Với những lợi thế và thế mạnh trên, không ngạc nhiên khi Tây Nguyên thu hút nhiều dự án bất động sản, dành được sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn.
Tây Nguyên thu hút hàng loạt các dự án bất động sản
Hiện Tây Nguyên đang thu hút nhiều dự án bất động sản của các doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường như FLC, Vingroup, Him Lam, T&T Group, Tân Hoàng Minh, Ecopark, Văn Phú…
Cụ thể, Tập đoàn Ecopark đang dự định đầu tư 2 dự án tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gồm Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2 và Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung.
Tập đoàn Vingroup đang tìm hiểu đầu tư 2 dự án gồm Tổ hợp Trung tâm thương mại – Khách sạn 5 sao, Shophouse và Tổ hợp dịch vụ cho hãng ô tô VinFast tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Tây Nguyên thu hút sự quan tâm của Tập đoàn FLC với một loạt các dự án như dự án Khu đô thị mới bờ Đông hồ Gia Nghĩa; dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Tà Đùng; dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ nhà phố FLC Center Point Đắk Nông; dự án Nông nghiệp công nghệ cao FAM – Đắk Nông; dự án Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung; dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và nhà phố thương mại; dự án Khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh; dự án Tháp đôi 30 tầng; dự án Khu đô thị thông minh CK54.
Tập đoàn T&T cũng đầu tư 5 dự án tại TP. Buôn Ma Thuột gồm dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại; dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam; dự án Khu biệt thự Ea Kao; dự án Khu sân golf hồ Ea KaoKao và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.
Tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Tập đoàn T& T đầu tư dự án Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R’tíh với diện tích gần 2.000ha và tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Về Tập đoàn Him Lam, doanh nghiệp đang đầu tư một số dự án như Khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn, Khu dân cư phường B’Lao, và Khu đô thị du lịch Thiên đường mắc ca.
Tại Lâm Đồng, CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest phát triển 3 dự án gồm Khu phố đi bộ shophouse, dịch vụ thương mại, chợ đêm; Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2; và dự án Sân bay Lộc Phát. Tập đoàn Ecopark cũng đầu tư 2 dự án gồm Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2; dự án Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung.