Đại dịch Covid – 19 đã khiến cho thương mại điện tử dần thay thế những kênh bán lẻ truyền thống, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhu cầu kho vận tại Việt Nam ngày một lớn. Năm 2020 cũng chứng kiến nhiều địa phương phía Nam tỏ ra bứt phá trong chuỗi cung ứng logistics và kho vận.

Năm 2020: Năm bứt phá của bất động sản kho vận và hậu cần

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Nhu cầu đột biến của người dân trong đại dịch đang khiến cho ngành thương mại điện tử phát triển bùng nổ trong năm vừa qua. Hiện theo các con số thống kê cho thấy, tại Châu Á – Thái Bình Dương, thương mại điện tử chiếm hơn 20% tổng doanh số bán lẻ, cao hơn 6% so với toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, các dữ liệu cho thấy đây là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Nếu lấy cột mốc từ năm 2015, doanh thu từ mảng thương mại điện tử mới dừng ở hơn 4 tỷ USD thì tới năm 2017 đã tăng lên hơn 6 tỷ USD. Sự bùng nổ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần, đây đặc biệt là năm 2020 đã khiến con số này đạt tới 13 tỷ USD, gấp hơn 3 lần mức doanh thu cách đây vài năm.

Sự phát triển thần tốc của thị trường thương mại điện tử cũng khiến cho nhu cầu kho vận và logisctis phát triển nhanh. Theo JLL Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng năm 2020, thị trường bất động sản kho vận đã bùng nổ mạnh mẽ với tổng nguồn cung tại các tỉnh công nghiệp phía Nam lên tới hơn 3 triệu mét vuông sàn. Các địa phương dẫn đầu trong lĩnh vực này bao gồm tứ giác kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Trong đó dẫn đầu về mảng cung ứng bất động sản kho vận và hậu cần phải kể tới tỉnh Bình Dương với 1,4 triệu m2 sàn, xếp ngay sau là Đồng Nai với gần 800 nghìn m2 sàn và TP.HCM với 600 nghìn m2 sàn. Mặc dù có nguồn cung ít nhất trong số 4 cái tên trên nhưng Long An cũng kịp tung ra thị trường hàng trăm ngàn mét vuông sàn và là nguồn trung chuyển chủ yếu cho khu vực các tỉnh phía Tây.

Không được sôi động như thị trường phía Nam, tuy nhiên các tỉnh phía Bắc cũng cung ứng ra thị trường gần 900 nghìn mét vuông bất động sản kho vận, trong đó nổi bật nhất là các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội.

Chặng đường dài để phát triển

Theo JLL Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản kho vận tại Việt Nam mới bắt đầu phát triển và còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Đánh giá cao đặc điểm về nhân khẩu học với số lượng người trẻ tuổi rất lớn, khả năng tiếp thu công nghệ cao sẽ là động lực chính cho thị trường thương mại điện tử ngày một phát triển, từ đó kéo theo nhu cầu về logictis và kho bãi tăng nhanh.

Theo các chuyên gia, do đặc thù của mình, ngành thương mại điện tử luôn yêu cầu rất nhiều không gian hậu cần. Với tốc độ phát triển hiện nay, người tiêu dùng dần hướng tới việc yêu cầu giao hàng trong ngày nhiều hơn, điều này sẽ khiến cho các công ty thương mại điện tử buộc phải mở rộng hơn nữa mạng lưới kho vận và chuỗi cung ứng trong giai đoạn sắp tới.

Ngoài ra không thể không kể đến nhu cầu kho lạnh đang ngày một được nhắc tới nhiều hơn. Trong ngắn hạn, đây được coi là một mảng đầy tiềm năng phát triển trong chuỗi cung ứng hậu cần, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đơn vị sản xuất vắc-xin Covid – 19 trên thế giới đưa ra yêu cầu cao trong việc bảo quản vắc-xin.

Mặc dù còn nhiều dư địa phát triển tuy nhiên thị trường bất động sản hậu cần của chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó quan trọng nhất là việc đầu tư vào phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng, nâng cấp các dịch vụ kho bãi, giảm chi phí logistics... Bên cạnh đó hiện tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn cung bất động sản khu công nghiệp nói chung, do đó việc mở rộng quỹ đất dành cho phát triển bất động sản hậu cần cũng cần được tính toán tới trong tương lai. Các chuyên gia đánh giá nếu đáp ứng tốt các yêu cầu của thời đại, chặng đường phát triển của bất động sản kho vận sẽ còn rất dài.