Đầu năm 2021, thị trường đất nền trong cả nước sôi động, trong đó Thanh Hóa là một trong những điểm nóng. Thanh Hóa chứng kiến cơn sốt nóng đất nền rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Châm ngòi cho cuộc nổi sóng đất nền trên diện rộng của thị trường Thanh Hóa là hàng loạt những thông tin tích cực về hạ tầng giao thông, cũng như kế hoạch đổ bộ của các ông lớn bất động sản được công bố vào thời điểm đầu năm 2021.
Thông tin từ các dự án
Trong kỳ họp thứ 14 khóa XVII diễn ra vào hồi đầu năm 2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2021 tại địa phương. Thanh Hóa được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển khu vực phía Bắc, bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh với hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai. Trong đó, tại Thanh Hóa đáng chú ý hơn cả là 43 dự án giao thông dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư lên đến 34.864 tỷ đồng.
Các dự án với tổng vốn đầu tư cao như đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng; dự án Đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với KKT Nghi Sơn (giai đoạn 1) 1.479 tỷ đồng; dự án Đại lộ Đông – Tây TP. Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A với tổng vốn đầu tư hơn 1.283 tỷ đồng. Các dự án trên dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Dự án Tuyến đường từ TP Thanh Hóa đến Cảng hàng không Thọ Xuân với tổng vốn đầu tư lên đến 3.567 tỷ đồng được khởi công xây dựng từ tháng 5/2019. Dự án gồm 3 thành phần được sử dụng ngân sách địa phương. Tuyến đường có chiều dài 34,7 km trong đó, giai đoạn 1 từ trung tâm TP. Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn…
Cùng với đó là việc các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đổ bộ về đầu tư tại Thanh Hóa. Có thể kể đến các dự án đình đám như dự án trung tâm thương mại Aeon Mall của AEON Việt Nam; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh của Sungroup, khu đô thị sinh thái, khu du lịch ven sông Mã (TP. Sầm Sơn) của FLC; Tập đoàn Foxconn chọn ba địa điểm tại Thanh Hóa để đặt nhà máy tỉ đô sản xuất linh kiện, thiết bị cho ông lớn công nghệ Apple; Quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa của Tập đoàn Flamingo; khu đô thị mới dọc đại lộ nam sông Mã do liên danh Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty Cổ phần xây dựng và lắp ráp Trung Nam - Công ty Cổ phần xây dựng phát triển Hòa Bình làm chủ đầu tư...
Hiện tượng sốt ảo tại Thanh Hóa
Hàng loạt những thông tin tích cực trên đã khiến thị trường bất động sản Thanh Hóa nổi sóng trong thời gian qua. Cụ thể, tính đến đầu tháng 4/2021, dự án do Sungroup đầu tư như đất đai gần Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En đã tăng giá từ 50-100% so với thời điểm năm 2019.
Đất nền ven biển Quảng Xương đầu năm 2020 mới chỉ có mức giá từ 5 - 7 triệu đồng/m2 thì thời điểm đầu tháng 4/2021 lên đến 15 - 16 triệu đồng/m2 đối với các vị trí đẹp, còn các vị trí khác cũng dao động từ 9 - 12 triệu đồng/m2. Phân khúc đất thổ cư trong các con ngõ nhỏ ở Quảng Xương cũng tăng mạnh từ 3 - 4 triệu đồng/m2 thì nay lên mức 7 - 8 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, những lô đất lớn lên đến hàng ngàn m2 gần quần thể khu du lịch sinh thái, thời điểm năm 2020 chỉ có giá vài chục ngàn/m2 thì trong cơn sốt đầu năm 2021, giá đất bị cò đất thổi giá lên tới 1 - 3 triệu đồng/m2….
Đất ven biển Hải Tiến cũng được ghi nhận tăng từ mức 3 - 4 triệu đồng/m2 lên mức 8 - 12 triệu đồng/m2 do hiện tượng “ăn” theo dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến của Flamingo.
Tại Quảng Hùng (TP. Sầm Sơn), đất đấu giá loại 2 cũng tăng từ mức 8 - 9 triệu đồng/m2 vào năm 2020 lên mức 13 - 16 triệu đồng/m2 thời điểm 2021. Trong khi đó, đất loại 1 tại đây đang có giá từ 18 triệu đồng/m2 vào năm 2020 cũng tăng lên 24 - 25 triệu đồng /m2.
Khu đô thị Quảng Phúc, Quảng Tâm (Thanh Hóa) cũng tăng từ 6 - 8 triệu đồng/m2 lên mức 18 - 23 triệu đồng/m2 vào thời điểm hiện tại. Đối với các khu vực như Quảng Tiến, Quảng Châu, Quảng Vinh (TP. Sầm Sơn) tại một số khu vực có vị trí đẹp cũng bị cò đất, đầu nậu thổi giá lên mức 45 - 58 triệu đồng/m2, trong khi đó giá năm trước chỉ bằng 2/3 giá rao bán thời điểm hiện tại.
Thị trường bất động sản Thanh hóa nhộn nhịp hoạt động mua đi bán lại của giới đầu tư đến từ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh… và các nhà đầu tư địa phương. Trong cơn sốt bất động sản tại Thanh Hóa, có những lô đất được giới đầu tư sang tay 2-3 lần trong một tuần, mỗi lần sang tay mức giá chênh lệch luôn cao hơn lần trước.
Chính quyền Thanh Hóa cũng như một số tỉnh thành nóng sốt khác đã chính thức vào cuộc khi thị trường bất động sản đang diễn biến vô cùng phức tạp vào đầu năm 2021. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản tránh đầu cơ, gây sốt đất ảo tại địa phương. Theo khảo sát, sau văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, hoạt động mua bán bất động sản không còn tấp nập nhưng giá đất ở các điểm nóng vẫn đang ở mức neo cao, chưa có dấu hiệu chững lại hoặc quay đầu.