Giá căn hộ tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) tiếp tục tăng mạnh trong khi đó giá bán căn hộ tại Hà Nội gần như không có biến động. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục ghi nhận sự khan hiếm nguồn hàng mới ở nhiều phân khúc, loại hình.
Thị trường Hà Nội giải quyết lượng hàng tồn năm 2020
Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – ông Nguyễn Văn Đính cho hay: Trong quý I năm 2021, thị trường bất động sản tại Hà Nội ghi nhận có sản phẩm đủ điều kiện bán hàng được tung ra thị trường. Phần lớn lượng sản phẩm này đã được chào bán từ quý 4 năm 2020. Thị trường bất động sản Hà Nội trong quý 1 năm 2021 gần như không có lượng hàng mới được cung cấp cho thị trường, các căn hộ thuộc phân khúc trung và cao cấp chủ yếu được bán còn tồn từ năm 2020. Các sản phẩm căn hộ này tập trung ở các khu vực Tây, Nam Hà Nội, khu vực bờ Bắc Sông Hồng.
Tại phân khúc nhà thấp tầng có một số dự án trước đó đã đủ điều kiện tham gia thị trường cũng đang được tiếp tục giới thiệu chào bán sản phẩm. Trong năm 2021 đã xuất hiện một số sản phẩm mới, chủ yếu tập trung ở Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức.
Tại thị trường bất động sản Hà Nội, đối với căn hộ bình dân do các sản phẩm được đánh giá nằm ở khu vực không hấp dẫn về vị trí, thuận lợi về giao thông di chuyển nên tỷ lệ hấp thụ của căn hộ bình dân chỉ đạt mức cao nhất là 44,3%. Tuy nhiên, đây là mức hấp thụ thấp nhất từ trước đến nay. Phân khúc căn hộ có tỷ lệ hấp thụ rất thấp khoảng 15,3% và có giá bán trên 35 triệu đồng/m2, đây là phân khúc khó bán. Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp, một số sản phẩm nằm ở các dự án chất lượng tốt xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ của các nhà đầu tư.
Đối với phân khúc nhà thấp tầng, giá bán tại phân khúc này rất cao, bình quân khoảng 10 tỷ đồng/ căn. Mặc dù lượng hàng ít và có nhu cầu lớn nhưng lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt mức trung bình là 63,6%. Lượng chào bán lại ở phân khúc này diễn ra khá sôi động nên giá bán có xu hướng tăng mạnh.
Giá bán căn hộ bình dân và trung cấp không có biến động nhiều. Giá bán nhà ở thấp tầng tăng khoảng 20% so với Quý 4 năm 2020, đạt khoảng 80-90 triệu đồng/m2.
Tại phân khúc đất nền, một số khu vực như Gia Lâm, Đông Anh, Long Biên có hiện tượng sôi động, nhộn nhịp do có thông tin chuẩn bị công bố quy hoạch đô thị ven Sông Hồng. Hiện nay, giá đất tại các khu vực vùng ven chuẩn bị lên quận đang ở ngưỡng 30-50 triệu đồng /m2, tăng khoảng 50-60% so với quý 4 năm 2020, có những nơi đạt mức tăng 100%. Trong khi đó, giá đất tại các quận nội thành, không có thông tin quy hoạch gần như không có biến động.
Nguồn cung tại TP.HCM
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, thị trường bất động sản tại TP. HCM hiện nay đang khan hiếm sản phẩm chào bán trên trị trường bao gồm cả hàng tồn và hàng mới. Các sản phẩm tập trung chủ yếu ở khu vực: TP. Thủ Đức, quận 2 và quận 9. So với cuối năm 2020, giá bán tại các khu vực không có nhiều biến động do trước đó giá đã bị đẩy lên mức rất cao. Phân khúc nhà thấp tầng tập trung ở các khu vực như TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè được chào bán cũng rất hạn chế do giá bán rất cao dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ của phân khúc này khá chậm. Một số dự án nhà ở thấp tầng tại quận 9 dao động ở mức 130-150 triệu đồng/m2, riêng TP. Thủ Đức dao động từ 230-250 triệu đồng/m3.
Giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng, đặc biệt tại khu vực TP. Thủ Đức. Giá trung bình tại khu vực này dao động từ 60-70 triệu đồng/m2.
Các nhà đầu tư tiếp tục di chuyển mạnh sang các khu vực lân cận như Bình Dương do tại thị trường TP. HCM khan hiếm sản phẩm mới và lượng hàng tồn trên thị trường cũng không còn nhiều. Bên cạnh đó, giá cũng đang ở mức cao ngất ngưởng. Giá căn hộ tại Bình Dương tăng lên đạt mức 30-35 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đính cũng cho hay: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên lượng hàng tồn từ năm 2020 còn khá lớn. Trên mặt bằng chung của cả nước, thị trường bất động sản quý 1 năm 2021 tại các nơi khác đều chứng kiến sự sụt giảm của các dự án và sản phẩm mới được đưa ra thị trường do việc chậm phê duyệt phát triển các dự án bất động sản trong một thời gian dài tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại thời điểm này, các chủ đầu tư cũng hạn chế bán ra sản phẩm mới để tập trung giải quyết hàng tồn từ năm 2020. Vì vậy, trong quý 1 năm 2021, lượng sản phẩm chào bán và giao dịch trên thị trường hầu hết tại các tỉnh, thành phố chủ yếu là hàng tồn từ năm 2020.