Việc công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá đất tại các tỉnh, thành phố vừa được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường tham mưu cho lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngay sau khi các địa phương công khai thông tin quy hoạch, tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Công khai thông tin, sốt đất hạ nhiệt
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức họp báo thường kỳ quý I năm 2021, tại cuộc họp báo ông Mai Văn Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết liên quan đến tình hình sốt đất được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.
Tổng cục quản lý đất đai đã tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt ngay sau khi các địa phương công khai thông tin.
Theo ông Mai Văn Phấn, “Ở đây có bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản. Do công tác này được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Chúng tôi tiếp thu bài học này để trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn”.
Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp nhận báo cáo của một số địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chờ các địa phương khác gửi báo cáo để tổng hợp phân tích các nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Tiến hành kiểm tra việc quản lý đất đai tại 26 tỉnh, thành phố
Ông Mai Văn Phấn cho biết thêm thông tin tại buổi họp báo, Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã lập kế hoạch kiểm tra vấn đề quản lý đất đai tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại TP. Hà Nội, sẽ kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Đối với TP. HCM, đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước ngày 01/07/2014 sẽ được kiểm tra triệt để.
Việc kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 01/7/2014 cũng sẽ được thực hiện tại 13 tỉnh gồm Điện Biên, Bắc Ninh, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Long An, Bình Định, An Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại Bình Thuận sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất…
Bên cạnh đó, sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với Hải Phòng.
Ngoài ra, vấn đề đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại một số dự án phát triển nhà cũng được Tổng cục quản lý đất đai kiểm tra.