Gần đây Việt Nam nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong mắt các nhà đầu tư ngoại, không chỉ bởi đã kiểm soát rất tốt đại dịch mà còn đến từ các yếu tố nội tại khác. Trong bối cảnh nguồn cầu đang ngày càng tăng lên, diễn biến trên thị trường bất động sản khu công nghiệp ngày một sôi động hơn.

“Sóng ngầm” đang diễn ra ở phân khúc hứa hẹn nhất trên thị trường

Sẽ có làn sóng gia nhập từ các nhà đầu tư nước ngoài

Năm 2020 được coi là bước ngoặt đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam khi mà các Hiệp định thương mại lớn bắt đầu có hiệu lực, thời điểm trùng khớp với xu hướng dịch chuyển sản xuất của các ông lớn Châu Âu. Bên cạnh đó còn là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đến từ Chính phủ, nhằm sẵn sàng “dọn ổ đón đại bàng”.

Hiện tại nước ta đang có khoảng 326 khu công nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy luôn đạt trên 70% (có những khu công nghiệp phủ kín 95%). Do đó khi nguồn cầu trong và ngoài nước gia tăng sau đại dịch, nhiều khả năng các tỉnh sẽ phải tính đến bài toán mở rộng năng lực cung ứng của mình.

Trao đổi với Giám đốc Savills Hà Nội, ông Matthew Powell  đánh giá rất cao việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, ông cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại vào Việt Nam, không những vậy còn là lực đẩy giúp các ngành sản xuất trong nước có thể khôi phục sớm hơn sau đại dịch.

“Các nhà đầu tư trong khu vực đang rất muốn gia nhập vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi đang làm việc với một số nhà đầu tư đến từ châu Á - Thái Bình Dương, Úc, Anh và Mỹ. Sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư khu vực và quốc tế đã khẳng định tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường Việt Nam không chỉ tại lĩnh vực bất động sản công nghiệp, mà còn trong các những lĩnh vực khác có liên quan”, ông Powell nhấn mạnh.

Nhiều vấn đề cần cải thiện

Mặc dù được đánh giá là nhiều tiềm năng phát triển, tuy vậy thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn chỉ đang trong giai đoạn mới hình thành so với các nền kinh tế khác. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn có yêu cầu rất cao, ngoài các yếu tố về con người thì họ cũng yêu cầu cả về công nghệ và chất lượng sản phẩm. Khi hình thành một chuỗi cung ứng mới, việc đầu tiên họ tính đến sẽ phải là các giá trị vận hành, bao gồm cả việc kết nối giữa các khu công nghiệp và các cảng vận chuyển.

Ưu thế về giá nhân công còn thấp và nguồn cung lao động dồi dào sẽ là một lợi thế lớn so với các quốc giá khác trong khu vực, tuy vậy người lao động Việt Nam cũng cần nâng cao tay nghề khi tham gia vào các dây chuyền đòi hỏi độ khó cao hơn.

 Cùng với những ưu đãi và hỗ trợ lý tưởng đến từ Chính phủ, có thể nói Việt Nam đang là lựa chọn hợp lý hơn rất nhiều quốc gia khác trong khu vực. Chia sẻ với quan điểm này, ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết hiện đang có rất nhiều các công ty của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đang dần dần di dời cơ sở khỏi Trung Quốc và xem Việt Nam như sự thay thế lý tưởng.

Dù vậy, ông đánh giá một trong những trở ngại hiện nay là giá đất đang ngày một đắt đỏ hơn so với trước đây. Lý do là hiện quỹ đất tại các khu công nghiệp đang được lấp đầy khá cao, trong khi nhu cầu ngày càng tăng lên. Do đó theo ông, việc các chủ đầu tư đang ráo riết  chuyển đổi các khu đất nông nghiệp sang mục đích công nghiệp là rất cần thiết. Hiện nguồn cung đang tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có thế mạnh về công nghiệp nhiều năm qua như Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc ở phía Bắc…

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh quảng bá về đất nước và con người Việt Nam, làm tăng tính khác biệt trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu làm tốt những việc đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi lớn trong khoảng thời gian sắp tới.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)