Là phân khúc hứng chịu tác động khủng khiếp nhất của dịch bệnh Covid-19, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng được dự đoán sẽ có bước phát triển vượt bậc sau khi ngành du lịch được hồi sinh.
Du lịch phục hồi – Động lực phát triển BĐS nghỉ dưỡng
Đầu tiên, du lịch là ngành công nghiệp xanh, là thế mạnh nhiều tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh hệ thống sinh thái đa dạng và phong phú, mảnh đất hình chữ S còn nổi tiếng bởi truyền thống văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Tất cả tạo nên một hành trình khám phá từ thiên nhiên đến con người.
Thứ hai, khả năng khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đã được thế giới công nhận biến Việt Nam thành điểm đến an toàn và hấp dẫn trong tương lai.
Thứ ba, chính sách quản lý của Nhà nước cùng với sự đầu tư hợp lý của tập đoàn, doanh nghiệp khiến bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong vài năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt các khu du lịch, khu phức hợp nghỉ dưỡng – du lịch đa chức năng được xây dựng. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn quốc tế nên có thể đón tiếp du khách từ mọi nơi, phục vụ mọi đối tượng.
Thứ tư, lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nhu cầu du lịch trong nước chắc chắn sẽ tăng. Vì vậy Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khởi động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa.
Thứ năm, du lịch quốc tế cũng đang từng bước hồi phục khi Chính phủ cho phép Vietnam Airlines khai thác một số đường bay quốc tế từ ngày 1-7. Hầu hết điểm đến là những quốc gia cũng kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thứ sáu, đánh giá một cách tổng quát, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tích cực. Đại dịch không có khả năng tạo ra những bất ổn tác động đến kinh tế vĩ mô. Vậy nên tỷ giá hối đoái sẽ ổn định và các nhà đầu tư vẫn sẽ yên tâm dồn tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng với tầm nhìn dài hạn.
Khó khăn phía trước
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ông Nguyễn Trần Nam cho rằng du lịch Việt Nam sẽ sớm hồi phục, tạo tiền đề cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển nhưng phân khúc này đang phải đối mặt nhiều thách thức.
Nhiều số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng mức chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là khoảng 100 USD/ngày. Nếu so với các nước khác thì rất khiêm tốn. Cụ thể, Thái Lan là 115 USD/ngày và Singapore là 330 USD/ngày. Hiện tại tuy cơ sở lưu trú và dịch vụ giải trí Việt Nam có phát triển nhưng vẫn còn rất hạn chế và đi sau nhiều nước.
Ngoài ra, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch hiện tại mới chỉ đáp ứng được nhu cầu căn hộ lưu trú cho một bộ phận nhỏ người nước ngoài. Trong khi đó, giá bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam lại thấp so những khu vực có cùng tiềm năng phát triển du lịch. Vì vậy, phân khúc còn nhiều không gian tài khóa phát triển.
Ông Nam đánh giá rằng thực tế này phù hợp với xu hướng đầu tư nhắm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo. Mỗi năm Việt Nam đón hơn 20 triệu khách quốc tế với thời gian trung bình là 5 – 7 ngày; 85 triệu khách trong nước có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày. Chính vì vậy Việt Nam cần thêm nhiều nữa các dự án đầu tư theo dạng quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và mua sắm.
Nếu khắc phục được những vấn đề trên, trong khoảng 10 năm, du lịch sẽ đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, tốc độ tăng trưởng khoảng 12-14%/năm. Đặc biệt doanh thu du lịch thuần sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.
(Tổng hợp bởi odt.vn)