Trong giai đoạn từ 2021 cho tới 2030, TP.HCM sẽ tập trung khuyến khích phát triển các dự án nhà cao tầng ở vùng ven, hạn chế xây dựng chung cư ở trong vùng nội thành, nhằm mục đích giảm áp lực cho vùng lõi vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu an cư của đa số người dân.

Dân số tăng nhanh không ngừng, TP.HCM sẽ định hướng gì trong 10 năm tới?

Đẩy mạnh xây dựng nhà cao tầng để tận dụng quỹ đất

Mới đây trong đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 – 2030” vừa được Sở Xây dựng TP.HCM trình lên UBND TP đã chỉ ra nhiều vấn đề trong quy hoạch và phát triển nhà ở đô thị của TP lớn nhất cả nước. Trong đó cũng đề cập tới nhiều nhóm giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân TP.HCM, trong bối cảnh lượng dân nhập cư vào thành phố tăng nhanh qua từng năm.

Cụ thể, trong giai đoạn 10 năm tới, Sở Xây dựng cho rằng để có thể tận dụng tối đa quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp, Thành phố nên tập trung phát triển nhà ở cao tầng thay cho các dự án thấp tầng, qua đó mới có thể đáp ứng được về số lượng căn hộ chung cư cung ứng ra thị trường trong bối cảnh nhu cầu người dân vẫn rất cao.

Ngoài ra để đảm bảo an sinh xã hội, Thành phố phải tính đến các giải pháp cho lượng lớn người dân thu nhập thấp, người dân di cư từ nơi khác tới sinh sống và làm việc tại Thành phố. Đề án cho rằng nên khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội hoặc căn hộ thương mại giá rẻ. Để điều này có tính thực tiễn thì cần nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích từ phía chính quyền Thành phố, khi đó sẽ dễ dàng hơn trong việc di dời lượng lớn các hộ gia đình đang sống ven kênh rạch.

Bên cạnh đó, Thành phố nên chú trọng tới việc cải thiện, nâng cấp và mở thêm các tuyến giao thông xương sống, các trục kết nối giữa các khu đô thị vệ tinh, các tỉnh liền kề để rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm. Đề án cho rằng nếu làm được việc đó thì người dân sẽ tự khắc dịch chuyển ra xa hơn để sinh sống, qua đó giúp giảm áp lực về giao thông, y tế, trường học cho vùng trung tâm.

Quy hoạch từng khu vực

Đề án cũng đề cập tới từng khu vực với tầm nhìn từ 5 đến 10 năm. Như đối với các quận trung tâm cũ như quận 1, quận 3 sẽ tập trung vào việc cải tạo, thay thế các chung cư đã cũ đã xuống cấp (xây dựng trước năm 1975) nhằm cải thiện bộ mặt đô thị, vừa tận dụng được quỹ đất vô cùng ít ỏi. Ngoài ra nếu không đảm bảo việc giao thông, hạ tầng cơ sở thì khu vực này cũng hạn chế xây mới các dự án cao tầng cho tới năm 2025.

Đối với các quận 4, 5, 6, 11 cũng sẽ ưu tiên cải tạo, chỉnh trang, xây dựng thay thế các chung cư cũ theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó tập trung di dời những khu nhà ven kênh rạch, tái định cư và ổn định cuộc sống của người dân.

Các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp sẽ tập trung phát triển hạ tầng cơ sở, tăng tính kết nối với các quận trung tâm để qua đó thu hút nhiều hơn những nhà phát triển dự án với quy mô bài bản, hiện đại, đáp ứng nhu cầu người dân trong khu vực.

Với các quận mới như quận 2, 7, 9 , 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ được ưu tiên xây dựng các dự án nhà cao tầng mới trong đó tập trung vào các dự án nhà xã hội, đẩy mạnh phát triển các trục giao thông chính, xây dựng các tuyến metro nhằm mục đích kéo dãn dân số về các khu vực này.

Đối với các huyện còn lại nằm ở khu vực vùng ven thành phố, sẽ ưu tiên phát triển theo hướng du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, trong đó cần quan tâm bảo tồn các vùng đệm sinh thái, tránh việc xây dựng quá nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cả khu vực.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)