Trong thời gian gần đây thị trường bất động sản công nghiệp có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá rằng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Một trong số đó là giá cho thuê đất tại đây đang ngày một tăng cao.
Chi phí đầu vào tăng theo giá thuê đất
Mặc dù đánh giá cao triển vọng của thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng hiện còn nhiều rào cản cần khắc phục sớm, nhằm tăng thêm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong các yếu tố đang được nhiều người nhắc đến đó là giá cho thuê tại các khu công nghiệp đang có chiều hướng tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, do giá thuê nhà xưởng, giá thuê đất luôn là chi phí rất lớn.
Các số liệu trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy giá cho thuê tại các thị trường bất động sản khu công nghiệp lớn đã tăng khoảng 20-30%, dù vậy có thể trong thời gian còn lại của năm nay giá sẽ không biến động nhiều, bởi nếu tăng quá nhanh trong khoảng thời gian ngắn sẽ làm giảm thu hút đối với các đối tác đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 561 khu công nghiệp với tổng diện tích lên tới 201.000 héc ta, chiếm 0,6% diện tích cả nước. Riêng tại miền Bắc, dự kiến trong năm nay nguồn cung nhà xưởng, kho bãi xây dựng sẵn sẽ đạt tới con số 2 triệu m2 sàn, còn đối với các tỉnh miền Nam ước đạt 2,7 triệu m2 sàn, tăng khá nhiều so với cùng kì năm trước.
Trao đổi với ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, ông cũng cho biết hiện tại đúng là đang có hiện tượng tăng giá chào thuê tại các khu công nghiệp. Ông cho rằng đây là hiện tượng thường thấy trong nền kinh tế thị trường, khi nguồn cầu tăng cao thì giá cho thuê sẽ có xu hướng tăng theo, do đó việc cần làm là tăng thêm quỹ đất tại các KCN, quy hoạch bài bản và đồng bộ hơn.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho biết để tăng thêm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại, BĐS khu công nghiệp Việt Nam cần khắc phục nhanh một số bất cập như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật của các công trình nhà máy, kho xưởng xây dựng sẵn chưa cao, ngoài ra các cấp chính quyền cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý… Nếu các vấn đề trên được cải thiện, nhiều chuyên gia đánh giá tiềm năng để Việt Nam trở thành một công xưởng mới của thế giới là hoàn toàn khả thi.
(Tổng hợp bởi odt.vn)