Mua đất chưa có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có những rủi ro gì? Trong trường hợp lỡ mua phải đất chưa có sổ đỏ, bạn cần chú ý những điều sau.

so-do-quan-trong-nhu-the-nao-khi-mua-ban-dat

Theo Điều 188 của Luật Đất đai 2013, để chuyển nhượng, mua bán đất đai, miếng đất đó phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và đang trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, giao dịch mua bán đất không có sổ đỏ là không hợp pháp và tồn tại nhiều rủi ro.

Theo các chuyên gia bất động sản, ngoài trừ một số ít trường hợp mảnh đất có thể được hợp thức hóa, cấp sổ đỏ sau khi mua xong, thì phần lớn người mua phải mảnh đất không có sổ đỏ sẽ phải chịu rủi ro về mặt pháp lý.

Rủi ro khi mua phải đất không có sổ đỏ

Thứ nhất, sau khi mua xong, người nhận chuyển nhượng khó có thể xin cấp sổ đỏ vì miếng đất không đủ điều kiện.

Thứ hai, không thể chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp hoặc đất khác thành đất ở do không phù hợp với quy hoạch.

Thứ ba, đất không có sổ đỏ thì việc giao dịch mua bán chỉ có thể thực hiện bằng hợp đồng viết tay. Do đó, không đảm bảo về mặt pháp lý, dễ xảy ra tranh chấp, hợp đồng dễ bị vô hiệu. Ngoài ra, bạn còn có thể mua phải đất lấn chiếm, đất đang có tranh chấp, đất nông nghiệp và thậm chí là đất đã có quyết định thu hồi…

Thứ tư, đất không có sổ đỏ không thể thế chấp tại ngân hàng khi có nhu cầu vay vốn.

Thứ năm, theo quy định của Nghị định 102/2014/NĐ-CP, việc tự ý chuyển quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi tự ý chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn.

Phải làm gì khi lỡ mua phải đất chưa có sổ đỏ?

Nếu bạn lỡ mua phải đất chưa có sổ đỏ, bạn nên làm hợp đồng đặt cọc. Trong hợp đồng đặt cọc cần ghi rõ các điều khoản về cam kết của người bán, bồi thường khi không thực hiện cam kết.

Ngoài ra, người mua cần phải làm thêm Giấy ủy quyền quản lý, sử dụng, định đoạt để có thể tự thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ khi thửa đất có đủ điều kiện cấp sổ.

Bên cạnh đó, để phòng tránh rủi ro, người mua nên tìm hiểu thông tin về người bán và mảnh đất mình mua bằng việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên bán, tới UBND xã, phường nơi có đất để xác minh, hỏi thông tin hàng xóm sống xung quanh khu vực.

Để việc chuyển nhượng đất an toàn, việc giao dịch nên có người làm chứng. Người mua có thể yêu cầu bên bán điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào hợp đồng. Việc thanh toán nên thực hiện tại ngân hàng. Người mua cần yêu cầu bên bán viết giấy biên nhận tiền.

(Nguồn tổng hợp)