Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh – ông Võ Văn Hoan vừa có văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ xem xét bỏ quy định về khung giá đất.

TP.HCM: Đề xuất bỏ quy định về giá đất tối thiểu, tối đa

Chênh lệch quá lớn so với giá thị trường

Theo quy định của Bộ Tài chính về việc xác định thu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ trong giao dịch nhà đất, có hai căn cứ được sử dụng là giá đất tại hợp đồng chuyển nhượng và giá đất của UBND cấp tỉnh. Cụ thể như sau: Nếu giá trong hợp đồng chuyển quyền lớn hơn giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành thì áp dụng giá đất tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Ngược lại sẽ áp dụng giá đất hiện hành của UBND cấp tỉnh.

Hiện nay, bảng giá đất của TP.HCM (thuộc loại đô thị đặc biệt) được xây dựng dựa trên khung giá đất của Chính phủ. Theo đó, mức tối đa trên bảng giá đất là 162 triệu đồng/m2 và mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2. So với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thì sự chênh lệch này là rất lớn.

Minh chứng như sau, giá đất tại đường Cách mạng tháng 8 là 66 triệu đồng/m2, trong khi đó mức giá giao dịch thực tế giao động từ 270 – 300 triệu đồng/m2. Hay trên đường Quang Trung, giá UBND tỉnh đặt ra là 19,4 triệu đồng/m2 nhưng ghi nhận thực thế lại là 130 triệu đồng/m2…

Lợi dụng điều này, các bên mua – bán thường chỉ kê khai giá trị hợp đồng thấp hơn hoặc đúng bằng quy định tại bảng giá đất nhằm giảm số tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

UBND TP.HCM cho rằng, việc thu thập và kiểm tra thông tin về giá trị thực của bất động sản trên thị trường rất khó khăn. Nguyên nhân là bởi người mua và người bán thường giao dịch trực tiếp chứ không thông qua sàn hay chuyển tiền qua ngân hàng. Đồng thời, Chính phủ cũng chưa có cơ chế quản lý giá chuyển nhượng bất động sản nên giá giao dịch thực tế không được thể hiện chi tiết trong hợp đồng.

Vì vậy, UBND kiến nghị Chính phủ xây dựng khung giá đất phù hợp để các địa phương đưa ra bảng giá đất tiệm cận với thị trường. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành các quy định về việc thu thập thông tin chào bán, chào mua trên thị trường. Thậm chí là cả giá chào bán, chào mua của chính chủ đầu tư triển khai dự án đó để đưa ra mức giá chính xác.

Trên cơ sở đó, đánh giá các yếu tố khác biệt giữa tài sản so sánh và tài sản thẩm định giá làm cơ sở xác định, thẩm định giá đất. “Trường hợp chưa thể ban hành ngay các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị các Bộ chấp thuận cho thành phố thực hiện thí điểm”, UBND TP kiến nghị.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, Ông Lê Hoàng Châu cũng tán thành với ý kiến của thành phố và cho rằng: Nên thay thế khái niệm tiền sử dụng đất bằng sắc thuế sử dụng đất với thuế suất nhất định, khoảng 10% - 15% bảng giá đất. Như vậy vừa dễ tính toán, lại đảm bảo tính minh bạch, loại trừ cơ chế xin – cho. Từ đó, hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà đảm bảo nguồn thu bền vững cho Nhà nước.

(Tổng hợp bởi odt.vn)