Quy định về làm sổ đỏ hết sức phức tạp, khiến nhiều hộ dân chưa được cấp sổ đỏ. Dưới đây là những điều cần biết để làm sổ đỏ nhanh và thuận lợi.
Làm thủ tục cấp số đỏ lần đầu mà không có lần hai
Để được cấp sổ đỏ, người dân cần thực hiện thủ tục “Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu” hay còn gọi là thủ tục cấp sổ đỏ.
Về bản chất, thủ tục cấp sổ đỏ chỉ được thực hiện lần đầu, không có lần hai, lần ba… Vì khi được cấp sổ đỏ, người sử dụng đất sẽ xác lập quyền sử dụng của mình với thửa đất đó.
Nếu người sử dụng đất muốn chuyển quyền sử dụng đất của mình cho người khách, thì sẽ không thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ mà thực hiện các hình thức như: Chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho, thừa kế…thì sẽ phải thực hiện theo thủ tục đăng ký biến động (thủ tục sang tên sổ đỏ).
Chỉ cấp duy nhất một loại sổ
Theo quy định áp dụng từ ngày 10/12/2009 đến nay, Nhà nước sẽ chỉ cấp cho người dân 1 loại sổ gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền ở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Người dân sẽ chỉ được cấp 1 quyển sổ, trong đó trang 2 của sổ đỏ sẽ ghi thông tin đầy đủ về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Điều kiện để được cấp sổ đỏ
Muốn được cấp sổ đỏ nhanh, người dân cần phải biết mình có đáp ứng đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Trong đó, Nghị định đã chia ra 3 nhóm và điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng. Nhóm 1 gồm những người có đủ giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đây là những đối tượng được cấp sổ đỏ dễ dàng và nhanh gọn nhất. Nhóm 2 gồm những người không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, áp dụng đối với hộ gia đình và cá nhân. Nhóm 3 gồm đất lấn chiếm, đất không được giao đúng thẩm quyền. Nhóm 3, thủ tục cấp sổ đỏ thường khó khăn và phức tạp hơn cả do phải xét tới yếu tố sử dụng lâu dài, ổn định và thời gian giao đất.
Thủ tục cấp sổ đỏ
Để được cấp sổ đỏ, người dân phải chuẩn bị những giấy tờ gồm: Đơn đăng ký cấp Sổ đỏ theo Mẫu số 04a/ĐK; một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (điều kiện để chứng nhận quyền sử dụng đất); một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (điều kiện để chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất); chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
Người dân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện; hoặc UBND cấp xã.
Thời hạn thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thời hạn được cộng thêm 10 ngày.
Các khoản lệ phí phải nộp khi làm sổ đỏ
Khi làm sổ đỏ, người dân phải nộp các khoản lệ phí như: Lệ phí trước bạ; tiền sử dụng đất (nếu có); lệ phí cấp sổ.
Trong đó, lệ phí trước bạ được tính bằng công thức sau: Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x (Giá đất tại Bảng giá đất x Diện tích).
Lệ phí cấp sổ đỏ sẽ phụ thuộc vào từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Còn tiền sử dụng đất sẽ được tính phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bao gồm trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất và trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất.