Sổ đỏ là một chứng thư pháp lý quan trọng nhằm xác minh quyền sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, nhiều người đã lầm tưởng rằng sổ đỏ là một loại tài sản, khi mất đi không làm lại được nên đã mất ăn mất ngủ khi mất sổ đỏ. Sự thật là thế nào? Hãy cùng odt.vn giải mã 4 hiểu lầm về sổ đỏ sau đây.

4-hieu-lam-pho-bien-ve-so-do-ma-ban-can-biet

Hiểu lầm 1: Sổ đỏ là một tài sản

Thực chất sổ đỏ không phải là một loại tài sản. Điều này căn cứ vào Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015, tài sản là vật/ tiền/ giấy tờ có giá/ quyền tài sản. Nói cách khác, tài sản bao gồm bất động sản (ví dụ nhà, đất, công trình) hoặc động sản (những tài sản có thể dịch chuyển bằng cơ học như tiền, giấy tờ có giá...).

Bên cạnh đó, theo khái niệm “Giấy tờ có giá” tại Khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 là căn cứ xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá và đối tượng sở hữu giấy tờ có giá. Việc trả nợ này phải được thỏa thuận thực hiện trong một thời hạn nhất định đồng thời đảm bảo điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.

Sổ đỏ, sổ hồng không nằm trong 5 loại giấy tờ có giá được quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm: Séc, hối phiếu đòi/nhận nợ hoặc công cụ chuyển nhượng khác; trái phiếu Chính phủ/công ty, cổ phiếu, kỳ phiếu; tín phiếu, hối phiếu, công trái, trái phiếu và các công cụ làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ khác; các loại chứng khoán được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006; trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 52/2006/NĐ-CP về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, sổ hồng, sổ đỏ không phải là tài sản.

Hiểu lầm 2: Nhà đất không có sổ đỏ thì không thể sang tên

Mặc dù pháp luật quy định giao dịch mua bán nhà đất cần phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (Sổ đỏ) và hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có sổ đỏ hoặc vi phạm những điều kiện bắt buộc có thể bị phạt tới 40 triệu đồng (đối với tổ chức), và 20 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm), nhưng vẫn có hai trường hợp ngoại lệ như sau:

  • Trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013

Người nhận thừa kế được phép chuyển nhượng di sản ngay cả khi không có sổ đỏ, chỉ cần thửa đất đó đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ, nói cách khác là có một trong những giấy tờ theo điều 100 Luật Đất đai năm 2013

  • Trường hợp được quy định Khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013

Trường hợp tất cả người thừa kế đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài (không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam), thì họ không được cấp sổ đỏ nhưng được phép chuyển nhượng/ tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế đó.

Trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho. Người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật Đất đai 2013 và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở.

Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế sẽ đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Những trường hợp trên không cần sổ đỏ vẫn có thể sang tên, chuyển nhượng nhà đất.

Hiểu lầm 3: Mất sổ đỏ sẽ không thể làm lại

Nếu sổ đỏ bị vô tình mất, hoặc bị trộm cắp/ đánh tráo, bạn vẫn có thể xin làm lại sổ đỏ bằng việc đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền cấp lại cho mình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi khai báo về việc mất sổ đỏ tại UBND xã, phường, thị trấn.

Thông tin mất sổ đỏ sẽ được niêm yết 30 ngày tại UBND nơi có đất. Nếu hết thời hạn niêm yết mà vẫn không tìm được sổ đỏ, thì chủ sở hữu nhà đất cần thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Hiểu lầm 4: Chung hộ khẩu là được ghi tên trong sổ đỏ

Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ 5/12/2017 ghi rõ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi đầy đủ tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất để giảm thiểu tranh chấp xảy ra.

Tuy nhiên, rất nhiều người hiểu lầm rằng cứ chung sổ hộ khẩu là được ghi tên trong sổ đỏ. Thực tế là việc ghi tên vào sổ đỏ không phải cứ là thành viên trong hộ gia đình thì được ghi tên mà chỉ ghi những thành viên có chung tài sản, chung quyền sử dụng đất.

Ví dụ, tại thời điểm giao đất, hộ gia đình có bố, mẹ và 2 con thì những thành viên này sẽ được ghi tên trong sổ đỏ. Tuy nhiên, nếu có thêm 2 người cháu (nhân khẩu mới) thì hai người này sẽ không được ghi tên trong sổ đỏ hộ gia đình.

(Tổng hợp bởi odt.vn)