Chịu tác động to lớn gây ra bởi đại dịch Covid-19, bất động sản du lịch đang chật vật tìm hướng đi mới để phục hồi. Một trong các giải pháp được đưa ra bàn thảo suốt thời gian qua đó chính là phát triển kinh tế đêm, nếu được thực hiện rất có thể đây sẽ là “cứu cánh” cho phân khúc bất động sản này nói riêng và cả ngành du lịch Việt Nam nói chung.

Phát triển kinh tế đêm sẽ giúp hồi sinh bất động sản du lịch?

Kinh tế đêm sẽ kích thích tiêu dùng du lịch

Có thể thấy một thực trạng tại Việt Nam đó là khách du lịch nước ngoài thường không quay trở lại. Mặc dù được đánh giá là có nhiều địa điểm để cho du khách tham quan, khám phá, nhưng đa phần du khách thường phàn nàn rằng họ thiếu các dịch vụ giải trí, đặc biệt là trải nghiệm về ban đêm tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Trao đổi với phóng viên, anh Mark Ruban, du khách người Đan Mạch đang có kỳ nghỉ tại Đà Nẵng – Hội An cho biết:  “Các dịch vụ ở đó chưa mang đến trải nghiệm thú vị. Ví dụ đến phố đi bộ Hội An (Quảng Nam) sau 22 giờ gần như không còn hoạt động gì. Bán hàng, ăn uống và nơi tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ nằm đan xen nhau mà không phân biệt từng khu. Ở những nơi khác như Đà Nẵng hay Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng vậy”

Để bàn về thực trạng đó, phóng viên có cuộc  trao đổi với ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Ông cho biết hiện nay doanh thu tiêu dùng của du khách nước ngoài đến Việt Nam đang khá thấp so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Tính riêng năm 2019, mức chi tiêu của du khách tại Đà Nẵng đã giảm từ 5,2 triệu xuống còn 4,6 triệu, bên cạnh đó là số ngày lưu trú giảm từ 3 xuống còn 2,7 ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu của các cơ sở lưu trú và dịch vụ lữ hành, mà về tổng quan còn ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành du lịch địa phương.

Chưa kể, từ khi xảy ra đại dịch Covid – 19, gần như ngành du lịch trong nước đóng băng và ảm đạm chưa từng có. Ông đánh giá hiện du lịch tại các địa phương vẫn còn thiếu các sản phẩm dịch vụ để kích thích tiêu dùng của du khách, đặc biệt là dịch vụ về đêm. Hiện nay các sản phẩm dịch vụ về ban đêm mới chỉ xuất hiện ở một vài thành phố lớn, tuy vậy cũng chưa đa dạng và phong phú như các nước trên thế giới.

Theo một chuyên gia trong ngành chia sẻ: “Do thiếu khuôn khổ pháp lý, các hoạt động thương mại, vui chơi, giải trí, tham quan vào ban đêm tại các địa bàn du lịch vẫn bị bỏ trống, chưa được khai thác hiệu quả, sản phẩm thiếu hoặc chưa thực sự hấp dẫn du khách.”

Nhiều chuyên gia đánh giá việc bỏ trống các hoạt động kinh tế đêm là một thiệt thòi lớn cho ngành du lịch và nền kinh tế Việt Nam. Tại các quốc gia khác trong khu vực, nền kinh tế đêm góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng và thu hút đầu tư. Nếu có thể thực hiện tốt các mô hình kinh tế đêm, có thể sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo ra nhiều lực hút hơn nữa cho phân khúc bất động sản du lịch.

Ngoài ra để sớm thích nghi với những thay đổi trong thời gian tới nếu như Chính phủ áp dụng thí điểm phát triển kinh tế đêm tại một số địa phương, các chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư và người dân cần phải thay đổi thói quen kinh doanh và học tập các mô hình đã thành công tại các nước đi trước.

Để ngành du lịch được phục hồi sau đại dịch, cần nhiều hơn nữa những quyết sách từ phía Chính phủ và kinh tế ban đêm sẽ là tiền đề để kích thích chi tiêu cho du khách, tăng tính hấp dẫn của địa phương từ đó kéo dài thời gian lưu trú của họ. Khi ngành du lịch từng bước phục hồi, bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ có cơ hội hồi sinh.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)