Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19, dòng vốn đầu tư vào các thị trường bất động sản trên khắp thế giới đã sụt giảm khá mạnh so với các năm trước, điều này dẫn tới việc nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn.

Kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong năm 2021

Trong ngắn hạn dòng vốn sẽ bị chậm lại

Tình trạng đi lại trên thế giới vẫn còn nhiều rào cản do các lệnh phong tỏa được áp dụng tại nhiều quốc gia khiến cho dòng chảy của vốn cũng bị chững lại theo. Các nguồn vốn lớn thường hay luân chuyển trên khắp thế giới để đầu tư do đó cũng khó tìm được nơi để giải ngân. Theo ghi nhận, lượng vốn đăng ký đầu tư vào các thị trường phát triển tại Châu Á đã giảm mạnh, đơn cử như tại Hồng Kông và Singapore đã giảm lần lượt là 65% và 68%, trong khi đó vốn đầu tư vào Nhật Bản giảm 20%, Hàn Quốc giảm 45% và Trung Quốc giảm 15%.

Bối cảnh chung như vậy nên Việt Nam cũng không ngoại lệ, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã giảm tới hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài nguyên nhân do đại dịch Covid khiến việc đi lại khó khăn, mà việc hiện nay trên các thị trường đang thiếu hụt nguồn cung các tài sản hấp dẫn, bên cạnh đó nỗi lo về đà phục hồi vẫn còn chưa chắc chắn, thậm chí giới đầu tư còn lo ngại về một viễn cảnh tệ hơn khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang tái bùng phát tại nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, với các quốc gia đang phát triển và đã kiểm soát thành công Covid-19 như Việt Nam, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá cao tiềm năng phục hồi hình chữ V. Khi đó các dòng vốn sẽ trở lại một cách mạnh mẽ, đi cùng với thanh khoản dồi dào và một mức định giá tài sản hợp lý hơn.

Hiện tại, theo ghi nhận cho thấy tại thị trường đang phát triển như Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại vẫn ưa chuộng phân khúc bất động sản thương mại nhất. Trong đó các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm. Bên cạnh đó, một phân khúc mới nổi lên nhưng đang hứa hẹn đầy tiềm năng trong trung và dài hạn đó là phân khúc bất động sản công nghiệp, các trung tâm hậu cần, logistics sẽ ngày một phát triển khi làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng bắt đầu rời khỏi Trung Quốc. Thị trường bán lẻ và khách sạn sẽ là những mảng kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất, do đó sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trong ngắn hạn.

Dòng vốn sẽ chảy mạnh vào năm 2021

Mặc dù nhận được sự quan tâm nhiều nhất, nhưng không thể phủ nhận giá thuê văn phòng vẫn đang đứng trước nhiều áp lực giảm giá. Lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, lượng hấp thụ văn phòng hạng A và B tại TP.HCM đã ghi nhận con số âm, điều đó cho thấy kể cả phân khúc hấp dẫn nhất này cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức để có thể tăng trưởng trở lại.

Trong tất cả các phân khúc, chỉ duy nhất bất động sản công nghiệp và hậu cần là ghi nhận đà phục hồi ấn tượng trong quý 2 vừa qua. Mới đây nhất, các công ty tại Nhật Bản đã bắt đầu quá trình rời khỏi Trung Quốc dưới sự hậu thuẫn của chính phủ Nhật, rất nhiều trong số này đã chọn Việt Nam làm đích đến. Điều đó có thể cho thấy tiềm năng rất lớn của phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Tại khu vực miền Nam, nơi tập trung nhiều tỉnh thành có tiếng về công nghiệp được quy hoạch và đầu tư bài bản như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đã ghi nhận giá cho thuê đất tăng mạnh so với trước đại dịch. Các chuyên gia cũng đánh giá bất động sản tại các khu vực này sẽ rất phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn.

Trước diễn biến khó lường của đại dịch và sự phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, giới đầu tư đa số vẫn lựa chọn phương án tiếp cận an toàn. Ngay đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng phần nhiều đang trong giai đoạn thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư, chính vì vậy từ nay tới cuối năm sẽ là bước đệm để hướng tới một năm 2021 khởi sắc hơn.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)