Hiện nay cụm từ “bất động sản” đang ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc với mọi người. Nhưng không phải ai cũng hiểu bất động sản là gì và phân loại bất động sản như thế nào? Dưới đây, bất động sản ODT sẽ chia sẻ những góc nhìn tổng quát về thuật ngữ này, bao gồm khái niệm, đặc điểm, và phân loại bất động sản.
Khái niệm về bất động sản
Bất động sản là gì? Trên thực tế, thuật ngữ bất động sản có rất nhiều khái niệm. Nhưng nhìn chung, hầu hết các nước đều coi bất động sản là đất đai và những tài sản gắn liền với đất đai, không tách rời với đất đai. Ở Việt Nam, khái niệm bất động sản là các tài sản bao gồm đất đai, các công trình liên quan đến đất đai, nhà cửa, các tài sản gắn liền với đất đai, và các tài sản khác do pháp luật quy định (Theo quy định tại Điều 181 của Bộ Luật Dân sự nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005).
Khái niệm bất động sản rất rộng, mỗi quốc gia lại có những khái niệm và quy định khác nhau về thuật ngữ này. Theo quy định về bất động sản trong pháp luật Việt Nam, bất động sản là khái niệm mở và đến nay, chưa có một quy định cụ thể nào cho danh mục các tài sản này.
Đặc điểm của bất động sản
Tính cá biệt và khan hiếm
Hiện nay, cùng với sự bùng nổ về dân số trong khi quỹ đất lại hạn chế, quá trình đô thị hoá tăng nhanh, dẫn đến một đặc tính của bất động sản là tính cá biệt và khan khiếm.
Tính khan hiếm của bất động sản thể hiện ở việc diện tích đất đai của từng khu vực, vùng, địa phương, lãnh thổ ngày một ít. Theo Tổng cục Thống kê, diện tích đất cả nước ta hiện là 329.314,5km2 trong khi mật độ dân số là 252 người/km2. Diện tích đất đai giảm do nhiều nguyên nhân như tốc độ tăng dân số nhanh, tốc độ phát triển kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá, nhu cầu lao động ở thành thị cao dẫn đến tình trạng dân số ở các thành phố trở nên quá tải.
Tính cá biệt của bất động sản thể hiện ở điểm trong cùng một khu vực, hai bất động sản nằm cạnh nhau thì chúng có những đặc điểm khác nhau, như vị trí, không gian, khu vực tiếp xúc. Tính cá biệt tạo nên giá trí của bất động sản, từ đó thu hút các nhà đầu tư
Tính bền lâu
Bất động sản gồm đất đai và các công trình trên đất, không thể thay thế. Nó tham giá vào quá trình tái sản xuất xã hội và mang lại lợi ích cho chủ sở hữu. Ngoài ra, thời gian sử dụng và thời gian để hưởng quyền sở hữu đất đai và hưởng các lợi ích khác do đất đai mang lại là vô hạn.
Tính chịu ảnh hưởng lẫn nhau
Giữa các bất động sản cùng một khu vực cụ thể có thể tác động, chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Cụ thể, khi một khu vực được rót vốn đầu tư để nâng cấp, giá trị kinh tế sẽ tăng và giá trị các bất động sản nằm tại khu vực đó cũng tăng theo.
Tính thích ứng
Lợi ích của bất động sản được sản sinh trong quá trình sử dụng. Dù được sử dụng với mục đích như thế nào, công năng điều chỉnh ra sao, nhưng bất động sản tại khu vực đó vẫn giữ những nét đặc trưng của nó, nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng, sinh hoạt, sản xuất – kinh doanh của con người.
Phân loại bất động sản
Có 2 cách phân loại bất động sản, gồm phân loại theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) và phân loại theo Điều 174 Bộ luật Dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005.
Đối với cách phân loại bất động sản theo Wikipedia, bất động sản được chia thành 3 loại gồm:
- Bất động sản có đầu tư xây dựng: Bao gồm nhà ở, công trình, bất động sản thương mại – dịch vụ, bất động sản hạ tầng, bất động sản trụ sở làm việc,… Trong đó, bất động sản nhà đất là nhóm cơ bản, có tỷ trọng lớn, tính phức tạp cao, được giao dịch nhiều trên thị trường bất động sản.
- Bất động sản không đầu tư xây dựng: Gồm đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất hiếm, đất làm muối và đất chưa sử dụng. Đây là những loại bất động sản không do con người tạo ra mà do xuất phát từ tự nhiên.
- Bất động sản đặc biệt: Gồm các công trình bảo tồn quốc gia, di sản văn hoá di vật thể, nhà thờ họ, đình chùa, miếu mạo và nghĩa trang. Đây là loại bất động sản có khả năng tham gia thị trường rất thấp.
Theo cách phân chia dựa vào Bộ Luật Dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005, bất động sản được chia thành 4 loại:
- Đất đai
- Nhà ở và các công trình gắn liền với đất đai
- Tài sản khác gắn liền với đất đai
- Tài sản gắn liền với nhà ở và công trình xây dựng gắn liền với đất đai
Việc phân loại bất động sản đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo xây dựng các chính sách về phát triển và quản lý thị trường bất động sản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta.