Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và một số các vấn đề liên quan tới pháp lý nên từ năm 2020 cho tới những tháng đầu của năm 2021, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chưa thực sự mạnh mẽ như kỳ vọng. Mặc dù vậy, các tín hiệu gần đây cho thấy nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu “tích cực” hơn trong việc săn tìm các dự án khả thi tại Việt Nam.
Lợi thế của Việt Nam trong hút vốn FDI
Dòng vốn FDI trong năm 2020 chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên so với mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài thì các con số thống kê mới chỉ phản ánh được phần nào mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù vậy, đây cũng được coi là nền tảng để chắp cánh cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có nhiều cơ hội bứt phá hơn nữa.
Trong bối cảnh thế giới oằn mình gánh chịu tác động của Covid - 19 khiến cho hàng loạt nền kinh tế phải chịu mức tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít những nước có mức tăng trưởng dương. Điều này cũng phần nào khẳng định Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi để dòng vốn nước ngoài tìm tới trong xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Giám đốc Savills Hà Nội, ông Matthew Powell đánh giá về các hoạt động của dòng vốn FDI trong năm nay, nhà đầu tư hiện đang rất quan tâm tới Việt Nam do môi trường phát triển còn nhiều tiềm năng và lợi thế. Ông cho biết: “Hiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện so với nhiều năm trước. Việt Nam đang nắm giữ các lợi thế lớn về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, chính sách quản lý vốn hấp dẫn với đầu tư nước ngoài”. Trong đó ông nhấn mạnh 2 điều được cho là yếu tố lợi thế rất hấp dẫn của Việt Nam như:
Đầu tiên, lợi thế về nhân khẩu học của Việt Nam là rất đáng quan tâm khi đa số lực lượng lao động tại Việt Nam đang trong giai đoạn vàng, các thế hệ tiếp theo rất năng động, trẻ trung và đây là nền tảng để phát triển một thị trường lớn mạnh với chất lượng cao. Nhờ vào lợi thế này, các lĩnh vực như bất động sản cũng sẽ tăng trưởng vượt trội so với các thị trường trong khu vực do lực cầu còn lớn và kéo dài trong tương lai. Hiện tại, thị trường bất động sản tại Việt Nam đang chủ yếu dựa vào sự đô thị hóa và tăng trưởng thu nhập của lực lượng lao động, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh tại các địa phương khác cũng đang cho thấy tốc độ tăng trưởng một cách toàn diện và bền vững, chứ không chỉ tập trung tại các thành phố lớn như trước kia. Trước khi đại dịch xảy ra, vị thế của Việt Nam cũng đã được khẳng định tuy nhiên việc đứng vững và phát triển ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch đã càng chứng tỏ vị thế “ngôi sao đang lên” của Việt Nam trên toàn thế giới ngày một rõ nét.
Điều thứ hai, với những cải cách và cởi mở trong chính sách đã khiến cho môi trường đầu tư tại Việt Nam trở nên hấp dẫn và thu hút hơn hẳn so với những năm trước. Đặc biệt là đối với các lĩnh vực như sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và bất động sản, được coi là những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Các rào cản pháp lý đang được Chính phủ gỡ bỏ và tháo gỡ các vướng mắc để tạo điều kiện tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài những mặt tích cực, Giám đốc Savills Hà Nội lưu ý vẫn có một số khó khăn nhất định tại thị trường bất động sản Việt Nam mà các nhà đầu tư nước ngoài cần quan tâm. Một trong số đó là vấn đề về chất lượng đầu tư và khả năng vận chuyển. Ông lấy ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao khả năng vận chuyển sản phẩm thông qua các kết nối giao thông, tuy nhiên tại Việt Nam các hệ thống giao thông như hải cảng, đường sắt, các trục giao thông trọng điểm còn gặp một số vấn đề. Chính vì vậy, việc lựa chọn địa điểm đầu tư sẽ rất quan trọng. Bên cạnh đó Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như tận dụng lợi thế của công nghệ để thu hút nhiều hơn nữa các dự án chất lượng cao.