Bất chấp đại dịch đã và đang gây ra những tác động tiêu cực, vẫn còn đó một phân khúc bất động sản đang sở hữu những lợi thế to lớn, thậm chí còn được hưởng lợi từ đại dịch. Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang dần khởi động và bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang sẵn sàng đón chờ ngày “cất cánh”.

Phân khúc bất động sản này vẫn bùng nổ cung cầu trong “tâm dịch”

Nguồn cầu đang lớn hơn nguồn cung

Cho đến hết quý 2 năm 2020, tổng diện tích các khu công nghiệp trên cả nước là 97.800 ha nằm tập trung tại 336 khu công nghiệp. Trong số này đã có 261 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 76%, số còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng. Điều đáng chú ý là trong những năm gần đây, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trọng điểm đã tăng lên nhanh chóng. Ở phía Bắc có Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, trong khi đó phía Nam tập trung tại các tỉnh xung quanh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Sự gia tăng tỷ lệ lấp đầy trong thời gian ngắn vừa qua đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc mở rộng nguồn cung của quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp, bởi thực tế đã ghi nhận nguồn cầu hiện tại đang rất mạnh và sẽ còn tăng thêm trong thời gian sắp tới.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới bên cạnh việc tăng khả năng cung ứng, các nhà hoạch định cần phải tập trung vào việc nâng cấp một số các yếu tố hậu cần, giao thông để tăng thêm tính hấp dẫn cho bất động sản khu công nghiệp. Bởi lẽ tính kết nối trong giao thông là một mắt xích rất quan trọng trong việc phát triển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn, vì vậy việc xây dựng thêm các sân bay, bến cảng hay các tuyến đường giao thông quan trọng là một yêu cầu bức thiết, có như vậy mới đáp ứng được các yêu cầu rất cao từ phía các doanh nghiệp nước ngoài. Những việc làm này khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, tuy nhiên sự đồng bộ sau này sẽ đem lại các lợi thế và tính hiệu quả lâu dài. Hiện nay Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt các công việc cần làm để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm cũng là một lợi thế cho bất động sản công nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị chia rẽ sâu sắc, nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất đã tính đến các phương án di dời nhà máy khỏi “công xưởng của thế giới” hoặc chí ít cũng gây dựng thêm một nhà máy tại các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Điều này sẽ đảm bảo hoạt động sản xuất tránh khỏi việc bị gián đoạn, giảm thiểu rủi ro. Khu vực Asean chính là nơi các doanh nghiệp hướng tới, trong đó đa số các nhà phân tích đều cho rằng quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam.

Đơn cử như mới đây, chính phủ Nhật Bản đã tung các gói hỗ trợ kinh tế trị giá lên tới hàng tỷ đô la chỉ để khuyến khích các doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc. Trong số đó, 15 công ty Nhật Bản đồng ý di dời đã chọn điểm đến là Việt Nam.

Sự quyết tâm trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những công xưởng của thế giới ngày một được Chính phủ thể hiện rõ. Với rất nhiều Hiệp định thương mại lớn vừa có hiệu lực, cánh cửa thu hút dòng vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài vào Việt Nam đã mở ra, chỉ cần chúng ta có các hành động phù hợp bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, ổn định môi trường kinh doanh và đi cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chắc chắn bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ thu hút được sự quan tâm của rất nhiều ông lớn trong ngành sản xuất trên thế giới.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)