Nhắc đến nghề môi giới nhà đất, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là công việc hái ra tiền. Tuy nhiên bất kỳ nghề nghiệp nào đều có khó khăn và thử thách riêng. Mới đây, Luật sư Nguyễn Văn Lộc – chuyên gia pháp lý hàng đầu về bất động sản đã chia sẻ quan điểm của mình về những rủi ro mà người môi giới nhà đất hay gặp khi tham gia mua bán BĐS.

Người môi giới nhà đất hay gặp rủi ro và khó khăn gì?

8 vướng mắc thường gặp

Đầu tiên, gặp phải dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý. Theo ông Lộc, người môi giới trong trường hợp này cần xem xét đến khả năng hoàn thiện pháp lý, cấp sổ đỏ trong tương lai. Nếu không họ có thể vướng vào kiện tụng vì hành vi lừa đảo khách hàng. Mặt khác, để hạn chế điều này, ông Lộc khuyên người môi giới nên kiểm tra kĩ càng hồ sơ pháp lý dự án.

Thứ hai, giao dịch phải sản phẩm sử dụng giấy tờ giả, sổ đỏ giả. Cách hiệu quả nhất để tránh được điều này là nhận diện thủ thuật thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng. Nắm chắc cấu trúc, bố trí các mục trong sổ đỏ và các giấy tờ pháp lý liên quan. Có thể đối chiếu giữa sổ đỏ thật và giả để tìm ra các yếu tố khác nhau, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Thứ ba, vướng vào dự án treo, dự án ma nên không thể cấp sổ đỏ. Thậm chí, nếu nhận phân phối các dự án treo lâu năm thì sẽ tổn hại không nhỏ đến uy tín, hoạt động kinh doanh của sàn giao dịch, công ty… Trong tình huống này, môi giới viên chỉ có thể nhờ cậy vào pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng cũng như của mình.

Thứ tư, không biết rõ chính chủ sở hữu tài sản. Trong bất kì giao dịch nào, môi giới viên cần phải xác định chính xác chủ sử dụng, chủ sở hữu nhà đất dựa vào các văn bản đã ký kết. Trường hợp muốn ủy quyền của người khác cần giấy tờ hay hợp đồng ủy quyền đã chứng thực.

Thứ năm, chủ đầu tư chậm trễ kí hợp đồng hoặc bàn giao nhà. Thực tế cho thấy đây là trường hợp mà người môi giới thường xuyên gặp phải. Để hạn chế rủi ro này, giữa người môi giới và chủ đầu tư cần có thỏa thuận bằng văn bản để buộc cả hai bên phải tuân thủ theo các điều, khoản đã đặt ra. Đây sẽ là chứng cứ pháp lý để giải quyết khiếu kiện nếu có sau này.

Thứ sáu, giao dịch gặp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Một phần có thể do môi giới không tìm hiểu rõ thực trạng pháp lý của sản phẩm. Nhưng cũng có trường hợp khách hàng cố tình lợi dụng cách này để chấm dứt giao dịch mà không phải trả tiền môi giới. Để tránh thiệt thòi cho mình, người môi giới có thể đối chất với khách hàng về quyền lợi trong thực hiện giao dịch đã được pháp luật quy định.

Thứ bảy, tranh cãi về giá cả, thuế và chi phí. Thực ra thì điều này đã được người mua và người môi giới đàm phán từ trước khi giao dịch. Tuy nhiên thì thị trường bất động sản luôn biến động do nhiều các tác nhân hay sự thay đổi cơ chế. Cách an toàn nhất là nhà môi giới hãy chú ý nhắc nhở khách hàng về điều này để dễ dàng đàm phán hơn nếu có sự thay đổi

Thứ tám, thiếu sót hồ sơ, thủ tục pháp lý. Mỗi phân khúc bất động sản tại mỗi địa phương lại có sự khác nhau nhỏ trong hồ sơ, trình tự thủ tục pháp lý. Chính vì vậy, trước khi tư vấn cho khách hàng, người môi giới cần nắm chắc các quy định, điều lệ tại khu vực mà mình hoạt động để tránh phát sinh trường hợp không đáng có.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)