Mặc dù không có khái niệm cụ thể trong văn bản pháp luật nhưng “đất lưu thông” vẫn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Dưới đây là những điều cần biết về loại đất này.

nhung-quy-dinh-can-biet-ve-viec-su-dung-dat-luu-thong

Đất lưu thông là gì

Đất lưu thông có thể được hiểu là phần đất nằm trong quy hoạch xây dựng công trình công cộng, điện, thủy lợi, giao thông như hành lang lưới điện, hành lang an toàn giao thông, đê điều…được bỏ không do Nhà nước chưa sử dụng đến.

Mặc dù người dân có thể tạm thời sử dụng phần đất này, nhưng đất lưu thông vẫn thuộc Nhà nước quản lý. Đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nếu người dân muốn tạm thời sử dụng thì cần phải làm tường trình, ghi rõ nhu cầu sử dụng tạm thời đất lưu thông của cá nhân/gia đình, sau đó gửi văn bản tới UBND nơi đang có đất cùng với cam kết khi bị thu hồi đất sẽ không được bồi thường. Sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và chấp thuận, người dân có thể tạm thời sử dụng đất lưu thông một cách hợp pháp.

Quy định về việc sử dụng đất lưu không

Việc sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải bảo đảm kết hợp khai thác cả phần trên không và trong lòng đất, bố trí kết hợp các loại công trình trên cùng một khu đất nhằm tiết kiệm đất và phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan về bảo vệ an toàn công trình.

Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình.

Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình, chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình; trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu UBND cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.

Quy định xử phạt đối với hành vi chiếm dụng đất lưu thông

Theo Khoản 4 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, nếu có hành vi tự ý lấn, chiếm, sử dụng đất lưu thông mà không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt như sau:

  • Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng
  • Đối với doanh nghiệp, tổ chức: Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng

Ngoài ra, các cá nhân/hộ gia đình vi phạm phải khôi phục nguyên trạng và trả lại đất cho Nhà nước.

(Nguồn tổng hợp)