Bước sang năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam nhận đòn giáng mạnh từ dịch Covid-19. Tuy không phải là lần đầu đối diện với khó khăn nhưng nó khiến mọi người phải quay đầu nhìn lại lịch sử thị trường bất động sản và thứ gọi là “chu kỳ lời nguyền”.
Ba lần “sốt đất”
Năm 1987, khi thành phố Hồ Chí Minh quyết định bán hóa giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê sử dụng cũng là lúc thị trường bất động sản cả nước nói chung và thành phố nói riêng bắt đầu manh nha. Mãi đến năm 1993, khi Luật Đất đai được thông qua, thị trường bất động sản mới chính thức hình thành.
Hơn 30 năm qua, thị trường đã trải qua không ít biến động, nhiều lần rơi vào khó khăn như: Giai đoạn 1995-1999, năm 2008-2009 (khủng hoảng kép), hay thời điểm 2011-2013. Cũng có lúc thị trường đón nhận những cơn sốt và tăng trưởng mạnh như: Năm 1993-1994, năm 2001-2002, đặc biệt là năm 2007-2008.
Cụ thể, cơn sốt đầu tiên vào 1993-1994 diễn ra trong bối cảnh Luật Đất đai năm 1993 ra đời, Nhà nước nới lỏng các điều kiện về chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Kinh tế giai đoạn này được xem là tăng trưởng mạnh khi GDP tăng tới 8,1%. Đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường khiến người dân tin vào một tương lai xán lạn, thúc đẩy giá nhà đất tăng nhanh.
Cơn sốt bất động sản thứ hai là năm 2001-2002. Nhiều chuyên gia nhận định, giá bất động sản lúc này đã tăng 3 - 4 lần thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, cao hơn cả một số nước công nghiệp phát triển. Không chỉ giá đất tăng, giá vàng thời điểm này cũng lập đỉnh, việc thanh toán và định giá thậm chí lấy vàng làm quy chuẩn.
Đến tháng 3/2017, khi thị trường chứng khoán ở bên kia sườn dốc, một lượng tiền khổng lồ đã chuyển sang bất động sản khiến thị trường bước vào cơn sốt thứ 3. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008, giá bất động sản quay đầu lao dốc. Nguyên nhân được giới phân tích cho là lạm phát tăng, lãi suất vay ngân hàng cao; cùng với đó là cuộc đại khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Tâm lý hiện tại của người mua và nhà đầu tư
Dịch bệnh Covid-19 thứ hai tại Việt Nam vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn khiến các nhà đầu tư như đang ngồi trên đống lửa. Họ dừng lưu thông toàn bộ dòng tiền của mình trên thị trường để thăm dò các kênh đầu tư khác. Vì vậy, giao dịch bất động sản ở mọi phân khúc, mọi loại hình đều chững lại.
Trái ngược với tâm lý thận trọng và mong chờ thị trường sớm hồi phục của các nhà đầu tư, không ít người dân lại trông đợi thị trường sẽ suy thoái, giá nhà đất chạm đáy và trở về đúng giá trị thực tế. Bởi khi đó, những đối tượng đầu cơ, tích trữ, sử dụng chiêu trò để đẩy giá lên cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Từ đó, cánh cửa mua nhà đối với người mua thực sẽ rộng mở, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM đánh giá, cơ hội săn bất động sản giá rẻ có hể xuất hiện từ cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2021. Chúng ta sẽ thấy rõ nhất điều này ở bất động sản cao cấp, do giá trị tài sản càng lớn càng dễ bị điều chỉnh giá và thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ giới đầu tư. Bên cạnh đó các bất động sản du lịch như nhà hàng, khách sạn cũng thuộc tầm ngắm của giới đầu tư nếu giá mặt bằng chung giảm tiếp 15-20%.
(Tổng hợp bởi odt.vn)