Trao đổi với ông Neil MacGregor, tổng giám đốc Savills Việt Nam về hành trình phát triển hơn 25 năm của thị trường bất động sản Việt Nam, dẫu trải qua không ít thăng trầm nhưng ông vẫn đánh giá rất cao về tốc độ và tiềm năng phát triển của thị trường.
Kênh đầu tư được ưa thích nhất tại Việt Nam
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam bắt đầu quá trình mở cửa và thường xuyên đạt được mức tăng trưởng GDP rất cao. Những năm 1995, 1996 con số lần lượt là 9,54% và 9,34%, lạm phát trong thời gian này cũng được kiểm soát ổn định ở mức dưới 4,5%, những con số thống kê này là tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của thị trường bất động sản trong những ngày đầu non trẻ.
Theo ông Neil MacGregor, trong quãng thời gian này niềm tin của người dân vào sự phát triển của thị trường tương đối cao đã khiến giá nhà đất biến động mạnh. Đây được ghi nhận là giai đoạn có những cơn “sốt đất” đầu tiên trên thị trường. Sau đó trải qua một quãng thời gian trầm lắng, đến đầu những năm 2000 một lần nữa làn sóng đầu tư bất động sản lại được thổi bùng. Tiếp đà cho điều này là những con số ấn tượng về tăng trưởng GDP luôn ở mức gần 7%. Nền kinh tế được phát triển nhanh và xuất hiện hàng loạt các tín hiệu tích cực vào những năm 2007, với việc Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO, đã mở ra 1 giai đoạn cực thịnh tiếp theo của thị trường bất động sản. Trong những năm này, dòng tiền từ nước ngoài đổ vào Việt Nam tương đối lớn, giá bất động sản vì thế cũng thiết lập một mặt bằng mới cao hơn rất nhiều. Con sóng thứ 2 đến quá nhanh và mạnh, khiến cho bất động sản trở thành kênh đầu tư được ưa thích nhất tại Việt Nam, điều này đã gián tiếp đẩy giá nhà lên cao một cách bất hợp lý và vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận những người lao động tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, sau khi cơn “sóng thần” rút đi thì cũng khiến cho thị trường rơi vào giai đoạn suy thoái kéo dài. Ghi nhận có thời điểm giá đã sụt giảm tới 30 – 40% so với mức đỉnh những năm 2007. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự đổ vỡ của hàng loạt ông lớn bất động sản, khi nợ xấu và hàng tồn kho lên tới đỉnh điểm những năm 2012. Lạm phát tăng rất cao khiến cho Nhà nước phải có những chính sách thắt chặt về tiền tệ, điều này dẫn tới việc thị trường bất động sản gần như bị “đóng băng” hoàn toàn và sụt giảm mạnh. Tại Việt Nam, khi các khoản vay thường được thế chấp bằng bất động sản điều này khiến cho nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên chóng mặt trong giai đoạn thị trường suy thoái. Điều đó khiến cho Chính phủ đưa ra hàng loạt các biện pháp tháo gỡ và các gói kích thích vào những năm 2012, 2013 và cũng từ đó thị trường bắt đầu có những chuyển biến tích cực hơn.
Kể từ đó cho tới nay, thị trường đã phát triển khá thần tốc. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2014 – 2018, độ rộng thị trường đã không còn thu hẹp tại các đô thị lớn. Tại các tỉnh có lợi thế nhất định về du lịch hay bất động sản công nghiệp đều có sự phát triển vượt bậc. Nhiều loại hình bất động sản mới đã ra đời như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng cho tới bất động sản hậu cần, bất động sản nhà xưởng đều đã xuất hiện trong thời gian này.
Gần đây, do ảnh hưởng từ đại dịch và sự bất ổn của kinh tế thế giới đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực lên các thị trường. Thị trường bất động sản Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, triển vọng về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức nước ngoài đánh giá rất cao. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng trong năm nay GPD của Việt Nam vẫn đạt 3% và sẽ tăng trưởng nhanh trở lại vào năm 2021. Đồng quan điểm, ông Neil MacGregor cho rằng Việt Nam với kinh nghiệm đã trải qua không ít cuộc khủng hoảng cũng sẽ dễ dàng vượt qua được giai đoạn hiện nay. Ông đặc biệt tin tưởng vào sự quyết tâm của Chính phủ và cho rằng đây sẽ là đòn bẩy chính cho sự phục hồi và phát triển của toàn bộ nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản. Theo ông, trong thời gian tới kênh đầu tư bất động sản vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu tại Việt Nam bởi đem lại hiệu suất vượt trội cùng tính an toàn vô cùng lớn.
(Tổng hợp bởi odt.vn)