Mặc dù nhận được sự quan tâm và ưu ái từ Nhà nước, nhưng kết quả phát triển nhà ở xã hội được đánh giá là rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu được Bộ Xây dựng chỉ ra là những bất cập trong cơ chế phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Kết quả phát triển không như kỳ vọng
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, từ năm 2016 đến nay, cả nước đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp. Trong đó, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô đạt khoảng 104.200 căn, tương ứng tổng diện tích là hơn 5,2 triệu m2. Hiện 264 dự án vẫn đang trong quá trình triển khai. Dự kiến cung cấp 219.000 căn, diện tích khoảng 11 triệu m2.
Dựa trên những con số đã đạt được, Bộ Xây dựng đánh giá, dù pháp luật về nhà ở đã có nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhưng kết quả đạt được vẫn rất thấp so với nhu cầu thực, không như kỳ vọng. Cụ thể, so với mục tiêu 12,5 triệu m2 nhà ở được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 thì hiện tại mới đạt được 41,7%.
Sau khi theo dõi việc thi hành pháp luật, tổng hợp ý kiến từ các Bộ, ban ngành, địa phương, của các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều tồn tại, bất cập trong Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 5 và Điều 11 của Nghị định này quy định rõ việc chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở phải đầu tư xây dựng theo hình thức và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT). Nhưng theo Điều 4, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020, chỉ áp dụng vào lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP đối với các lĩnh vực nhưng không áp dụng với dự án nhà ở. Vì vậy, cần bãi bỏ quy định này.
Tương tự tại Điểm b Khoản 1 Điều 7: Các dự án xây dựng nhà ở liền kề thấp tầng phải được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; các dự án nhà ở xã hội tại đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM), loại 1, loại 2 thì UBND cấp tỉnh nơi có đất phải báo cáo xin ý kiến của HĐND cùng cấp trước khi quyết định chủ trương đầu tư. Song, quy định này lại không phù hợp khi Luật Đầu tư 2020 đã quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở là theo pháp luật về đầu tư.
Hay tại Điểm c Khoản 1 Điều 1; Khoản 1, Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu) đã có quy định cụ thể các dự án nhà ở xã hội phải tổ chức đấu thầu. Cơ quan có nhiệm vụ tổ chức đấu thầu phải đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Do đó, cần sớm bổ sung các quy định về thủ tục lựa chọn đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Điều 8 Nghị định số 100.
Qua đó có thể thấy được rằng, sau 5 năm đi vào thực tiễn, Nghị định 100 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần được sửa đổi, bổ sung để đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội. Do vậy, Bộ Xây dựng đang tiến hành hoàn tất dự thảo sửa đổi Nghị định 100 để phù hợp với Luật PPP 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Nhà ở 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.