Nhắc lại câu chuyện sốt đất vùng ven những năm 2011, các chuyên gia cho rằng khi thị trường đột ngột tăng quá nóng trong thời gian ngắn thì nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác, tránh rơi vào tình trạng chuyền tay nhau “cục than hồng” thường gây ra bởi giới đầu cơ.
Giá bất động sản leo thang trên diện rộng
Hiện tượng giá đất tại các khu vực vùng ven bỗng nhiên “nhảy múa” mới xuất hiện gần đây được cho là do giới đầu cơ và các sàn bất động sản gây ra. Trong số này không ít là những người đã trót “mắc cạn” trong thời điểm trước khi Covid – 19 xảy ra, hiện tại lợi dụng một số chiêu trò nhằm tạo sóng để dễ dàng thoát hàng.
Qua quan sát trên thị trường thời gian qua có thể thấy những khu vực đã từng “sốt nóng” trong giai đoạn trước Covid-19 như tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai hay Thạch Thất, Hòa Lạc... đều đang bị giới đầu cơ tại đây chi phối cả về giá cả lẫn nguồn hàng.
Lợi dụng thông tin xung quanh việc công bố nội dung Quy hoạch đô thị Hòa Lạc tầm nhìn đến năm 2030, nhiều khu vực đã nhanh chóng bị đẩy giá lên cao từ gấp rưỡi cho tới gấp đôi so với thời điểm trước. Ngay cả những loại hình như đất trồng cây, đất ruộng vườn tại các khu vực nông thôn cũng bị hét giá từ vài triệu đồng/m2.
Trao đổi với một môi giới lâu năm ở khu vực Hoài Đức, người này cho biết tình trạng giá đất bị đẩy lên chủ yếu là do các sàn bất động sản khu vực này liên kết với nhau để “làm giá”. Điển hình là tại một số dự án cũ của khu vực này, gần như bỏ hoang hơn 10 năm bỗng nhiên gần đây được rao bán trở lại với mức giá từ 50 – 60 triệu đồng/m2 cho những căn nhà cỏ mọc quá đầu người. Không chỉ đất nền dự án, mà cả đất thổ cư trong những làng xã quanh đó như tại ã An Thượng, An Khánh, Vân Canh… cũng được đẩy lên mức giá mới.
Tại Đông Anh, trải qua vài cơn sốt đất như vậy đã khiến cho một số vị trí hiện nay đã được đẩy lên mức giá ngang với một số nơi thuộc quận nội thành. Trong khi đó tại những khu vực này hầu như không có nhiều sự thay đổi về hạ tầng cơ sở lẫn các dịch vụ tiện ích.
Còn nhớ sau Tết Nguyên Đán năm nay, khu vực Thạch Thất đã xảy ra một cơn sốt đất trong thời gian rất ngắn, giá bất động sản tại khu vực này bỗng nhiên tăng từ 3 – 5 lần. Nguyên nhân là do giới đầu cơ lợi dụng tin đồn tập đoàn Vingroup sẽ về đây xây dựng dự án khu đô thị mới, tuy nhiên sau đó chính Tập đoàn Vingroup đã phủ nhận việc này. Điều đó đã khiến cho không ít nhà đầu tư đã trót “ôm hàng” đang phải ngậm đắng nuốt cay.
Cảnh báo của chuyên gia về bài học “đầu cơ” bất động sản ven đô
Trao đổi với các chuyên gia bất động sản về vấn đề giá đất vùng ven thành phố Hà Nội bỗng nhiên bị đẩy giá lên cao trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, nhiều người có tâm lý muốn đầu tư vào bất động sản khiến cho giới đầu cơ lợi dụng điều này để tạo sóng nhằm “thoát hàng”.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, việc các khu vực này bị “làm giá” sẽ tạo ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường. Ngoài ra còn gây nhiều khó khăn cho các tập đoàn lớn muốn đầu tư xây dựng tại đây do chi phí liên quan tới đất đai tăng mạnh.
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, cần phải nhớ lại bài học của cơn sốt đất vùng ven đã xảy ra trong khoảng thời gian năm 2011, khi đó không ít nhà đầu tư lao theo cơn sốt đất tại khu vực Ba Vì, Lương Sơn hay An Khánh, Phú Lương… để rồi sau đó chịu cảnh chôn vốn hàng chục năm trời.
Ông Nguyễn Văn Đính cho biết, dù các huyện ngoại thành có trong lộ trình lên Quận cũng cần phải có thời gian, ít nhất là từ nay cho tới năm 2025. Chính vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng khi quyết định xuống tiền trong thời điểm này, tránh đầu tư theo tâm lý đám đông.