Huế là nơi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử phong kiến Việt Nam. Cho đến hiện nay, mảnh đất cố đô này vẫn luôn được người dân bản địa gìn giữ được các nếp sống, nét văn hóa đặc trưng của thời xưa. Một trong những số đó chính là kiến trúc kiểu rường hay nhà rường. Vậy bạn có biết nhà rường Huế là gì không? Đặc điểm và quy trình xây dựng như thế nào? Mời mọi người cùng tìm hiểu trong bài viết này.

1. Nhà rường là gì?

Nhà rường là gì?

Rường là một cách nói ngắn gọn của rường cột. Cho nên, nhà rường chính là kiểu nhà có hệ thống cột, kèo gỗ được dựng với một quy chuẩn nhất định. Cấu trúc của một căn nhà rường thường là theo mô hình chữ công, chữ đinh, chữ khẩu hay nội công ngoại quốc.

Nhà rường được liên kết hoàn toàn từ hệ thống chốt và mộng gỗ. Đặc điểm này giúp việc lắp ráp hay tháo gỡ căn nhà trở nên dễ dàng hơn. Các gian trong nhà được phân định dựa theo hàng cột. Hai chái dùng để phân các giữa cách gian bằng vách ngăn.

Nhìn chung, nhà rường ở Huế không có quá nhiều khác biệt với đặc điểm trên. Thời xưa, ngôi nhà được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo đến từng chi tiết. Nếu có cơ hội tìm đến những căn nhà còn được lưu trữ này, bạn sẽ thấy tất cả các chi tiết nhỏ như kèo, cột, đòn… đều có những hoa văn nổi bật lên. Gỗ được lựa chọn là những loại chắc chắn và có độ bền cao như mít rừng, kền, gõ…

2. Nhà rường Huế xuất hiện từ khi nào?

Nhà rường Huế xuất hiện từ khi nào?

Theo lịch sử ghi chép lại, nhà rường Huế ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, đó là triều đại phong kiến của nước ta. Đến năm 1822, tức đời vua Minh Mạng thứ 3, một đạo luật yêu cầu tất cả những ngôi nhà xây dựng ngoài Đại Nội không được phép quá 3 gian 2 chái. Vậy nên, nhà rường Huế trong giai đoạn này rất thấp và nhỏ.

Sau đó, Nhà vua đã xóa ấn định này và thay thế bằng việc không được xây dựng cao hơn cung điện. Kể từ đó, nhà rường Huế đã có diện tích rộng hơn, độ cao thấp nhưng độ dốc mái lớn. Kiểu thiết kế này được giữ nguyên cho đến thời điểm hiện tại.

3. Đặc điểm của nhà rường Huế

3.1. Kiến trúc nhà rường

Kiến trúc nhà rường

Về cơ bản, một căn nhà rường Huế tiêu chuẩn sẽ được thiết kế thành 3 gian 2 chái với trung bình 56 cột. Cho dù là kiểu chữ đinh hay chữ khẩu thì số gian, số chái và số cột này vẫn được giữ nguyên. Do được làm bằng gỗ nên mỗi kèo, xà đều phải đảm bảo tránh được ẩm mốc và được chạm khắc cầu kỳ, chi tiết. Đặc biệt, gian giữa là trọng tâm của căn nhà nên ngoài việc thiết kế tinh xảo nhất thì còn được khắc thêm câu đối, tứ quý, bát bảo, hoa lá… với mong muốn may mắn, thịnh vượng, trường thọ đến với gia đình.

Về phần mái, mái nhà rường Huế được lợp bằng ngói với 2 lớp dày chồng lên nhau. Điều này giúp cho không gian bên trong nhà thoáng đãng vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nhà rường Huế không bao giờ được thiết kế đơn độc. Thay vào đó, nó sẽ đi cùng những khu vườn với lối trang trí đẹp mắt. Thông thường, chủ nhà sẽ uốn cây thành nhiều thế khác nhau. Ngoài ra, họ còn trồng cả cây ăn quả và hoa nữa.

3.2. Kết cấu nhà rường

Kết cấu nhà rường

Muốn nhà rường Huế chắc chắn, chống chịu được tác động thiên nhiên thì “bộ khung xương” rất quan trọng. Nó bao gồm tổ hợp cột – kèo – xuyên – trến – xà – đòn tay được liên kết một cách chặt chẽ nhất có thể. Để làm được điều đó, người dân đã nghĩ ra cách dùng mộng để ráp nối những điểm liên kết với nhau.

Đối với nền nhà, để đảm bảo không vượt quá Hiểu Lâm Các – nơi cao nhất trong Đại Nội nên nền không được xây quá cao. Chất liệu làm bằng đất sạch trộn thêm với vôi và  để chống mối mọt, ẩm ướt không xâm nhập. Vì muốn chắc chắn hơn nữa nên  chủ nhà còn đắp thành nhiều lớp để tạo độ cứng.

Thậm chí, họ còn biết sử dụng kỹ thuật khoan nhồi cọc để gia cố cho những nơi có nền đất yếu Đây cũng là kỹ thuật phổ biến trong kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Nhà nào bình dân thì nền chỉ bó vỉa bằng đá tổ ong, đá núi, còn có điều kiện thì vỉa bằng đá cẩm thạch, đá thạch anh. Còn mặt nền thì chủ yếu là lát gạch.

3.3. Công năng

Nhà rường có nhiều kiểu như 5 gian 2 chái, 3 gian 1 chái… nhưng phổ biến nhất vẫn là 3 gian 2 chái với một cột cái ở trung tâm căn nhà. Các cột còn lại được đặt tên khác nhau để dễ phân biệt như: 2 cột trong hướng Đông là “nhứt đông hậu”, 2 cột ngoài hướng Đông là “nhứt đông tiền”, 2 cột trong hướng Tây là “nhứt tây hậu”, 2 cột ngoài hướng Tây là “nhứt tây tiền”

Các cột cái và cột quân sẽ chia không gian nhà làm 3 gian 2 chái. Trong đó, 3 gian gồm nơi để đón tiếp khách, nơi thờ cúng tổ tiên và nơi để đàn ông nghỉ ngơi. Còn hai chái nằm hai bên có diện tích nhỏ, để dành cho con cái và phụ nữ. Như vậy thì cách bài trí này vẫn còn đặt nặng vấn đề trọng nam khinh nữ, đàn ông nắm mọi quyền hành trong gia đình, đúng với bản chất xã hội thời phong kiến.

4. Quy trình xây nhà rường Huế như thế nào?

Quy trình xây nhà rường Huế như thế nào?

4.1. Xem phong thủy trước khi xây

Không phải chỉ có người nay thì cả ngày xưa, trước khi dựng nhà, người ta cũng sẽ xem phong thủy. Cốt là để chọn ra một khu đất tốt, nền móng vững chắc. Từ đó thế nhà mới vượng và tạo điều kiện thuận lợi khi sinh hoạt. Hướng thường thấy của một căn nhà rường Huế là hướng Nam, nắng chiếu xiên vách. Bên trái sẽ bố trí bếp, nằm vuông góc với gian chính. Khách muốn đi vào nhà phải rẽ sang 2 bên chứ không thể từ cổng nhà trực tiếp đi thẳng vào.

Về không gian, thiết kế nhà rường Huế tuân thủ các nguyên tắc Bát quái của phương Đông. Nguyên tắc ấy giải thích rằng, Thái cực sinh lưỡng nghi Lưỡng nghi sinh tứ tượng Tứ tượng sinh Bát quái để tạo ra thế căn bằng. Cho nên, việc quan trọng khi xây nhà rường là cần xác định giao điểm của 2 đường tim nhà. Từ đó mới có thể tính ra được các phương vị Tiền, Hậu, Tả, Hữu để bố trí các gian, chái sao cho phù hợp. Tổ hợp cột kèo, xuyên, trến, xà… đều sẽ được định vị theo nguyên tắc này.

4.2. Quy trình chuẩn bị

Trước tiên là lựa chọn loại gỗ cho rường cột, đòn tay, đòn tay nóc. Công đoạn này rất quan trọng vì nó liên quan đến tuổi thọ của căn nhà. Theo kinh nghiệm từ xưa, loại gỗ tốt nhất là loại danh mộc. Có nghĩa là lấy gỗ từ những loại cây khi bị chặt đến tận gốc mà vẫn có thể hồi sinh thành 1 cây mới. Gỗ đáp ứng điều này mà phổ biến rộng rãi ở xứ Thuận Hóa là gỗ cây mít thăng. Loại gỗ còn có ưu điểm là màu vàng, vân đẹp, ít bị cong vênh và chống mối mọt tốt…

Ngoài dùng cho bộ khung căn nhà thì gỗ mít cũng cần cho các chi tiết như kèo, xuyên, đà kiềng, trếnh, khóa rương… nên hãy chuẩn bị một lượng lớn. Đối với các chi tiết như chéo, liên ba, rầm thượng, thành vọng, cửa bảng khoa… thì dùng gỗ xẻ bảng có đường kính lớn.

Sau khi đã chuẩn bị hết lượng gỗ nói trên thì sẽ đến công việc của thợ mộc. Trong suốt quá trình thi công, tất cả phải đảm bảo phương châm “Thước thầy, mực thợ”. Đó chính là lý do vì sao chủ nhà nên tìm những người thợ giỏi, có tay nghề cao, lành nghề để làm ra sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất, ấn tượng nhất.

Cụ thể, người thợ sẽ dùng kĩ năng và kinh nghiệm của mình để vạch ra những đường thẳng trên gỗ. Trước kia, do công nghệ còn thô sơ nên chỉ có thể dùng “mực”. Đây là dụng cụ thô sơ, có hình dạng là một khối lập phương cạnh 8cm bằng gỗ. Mặt trên được đục 1 lỗ hình vuông, 1 lỗ hình tròn chia “mực” làm hai ngăn. Ngăn tròn sẽ để bông thấm mực tàu, ngăn vuông chứa dây cuộn và tay quay nhỏ để thu dây. Nguyên lý hoạt động của mực là khi kéo dây ra, nó sẽ đi qua ngăn mực làm mực thấm vào dây và tạo thành những đường thẳng trên gỗ. Dù cổ xưa nhưng cách làm này có độ chính xác khá cao, kể cả là với mặt bằng gỗ gồ ghề.

Trong quá trình xây dựng, thợ mộc và thợ điêu khắc cần có sự kết hợp ăn ý với nhau. Thợ mộc xử lý gỗ thô để tạo dáng căn bản. Sau đó sẽ chuyển cho thợ điêu khắc để chạm trổ. Do khối lượng gỗ khá lớn và mọi chi tiết đều đòi hỏi cao nên công đoạn này sẽ chiếm nhiều thời gian nhất trong quá trình xây nhà rường.

Để tiết kiệm thời gian, chủ nhà cần phải đặt mua tre thẳng, đẹp, trồng trên những khu đất tốt để làm rường tre. Thông thường, việc này cần chuẩn bị trước vài năm vì không phải lúc nào cũng có sẵn tre đẹp và có thể sử dụng ngay khi mua về. Bởi lẽ, tre còn phải xử lý qua nhiều công đoạn như đục thủng đốt, đem ngâm nước (ít nhất 100 ngày), phơi khô… sau đó mới dùng được cho nhà rường.

Cuối cùng là chuẩn bị mây, cỏ tranh và rơm. Cỏ tranh nên dùng là cỏ tốt, già, được cắt rồi phơi khô hoàn toàn để có màu tráng bạc. Rơm cũng cần bảo quản kỹ, lấy từ lúc ngay sau khi thu hoạch lúa. Mây tốt nhất là mây Rã, mây Song.

4.3. Quy trình xây dựng

4.3.1. Công việc thợ mộc

Công việc thợ mộc

Tập hợp tất cả các cây gỗ đã hoàn thiện ở trên để ráp thành khung nhà. Toàn bộ 24 cột nhà được dựng trên các tảng đá được đẽo từ đá khối tự nhiên đã cố định trên nền nhà. Liên kết các chi tiết của nhà rường bằng mộng, khóa lại bằng nêm và chốt bằng gỗ, hoặc tre. Mặt tiền của căn nhà là bộ cửa bức bàn khoa thượng song hạ bản với thiết kế 5 lá ở gian giữa, các gian còn lại là 4 lá. Mỗi lá đều có thể tháo ra, lắp vào dễ dàng khi cần thiết. Phần chốt cửa bên trong đơn giản nhưng tuyệt đối chắc chắn, an toàn.

4.3.2. Công việc thợ tre

Công đoạn tiếp theo là phần làm rường tre của các thợ tre. Đa số đòn tay, rui nhà làm từ tre đã được ngâm và xử lý theo đúng kỹ thuật. Buộc các chốt bằng dây mây, có định bằng chốt làm bằng tre. Khu vực giao nhau giữa đòn tay và mái được liên kết âm dương với nhau

Sau khi hoàn thành phần trên, trợ tre dùng tre lồ ô đập dập lát song song và kín toàn bộ bề mặt rui và đòn tay. Lưu ý, phần vỏ tre phải hướng xuống dưới. Tiếp đến là lợp đất cho trần nhà. Chọn loại đất thịt, có độ kết dính tốt. Nên lấy từ độ sâu hơn 1m để đảm bảo đất thuần thịt, không có tạp chất. Sau đó trộn với rơm, nước và nhào lại thật kỹ.

Đến khi dẻo rồi đắp lên trần nhà theo nguyên tắc từ dưới lên trên, từ thấp đến cao theo từng lớp liên tiếp. Luôn bảo đảm lèn chặt và vuốt kỹ để từng lớp mịn nhất có thể. Việc này yêu cầu vừa phải nhanh, vừa có độ chính xác cao vì nếu không các lớp sẽ không thể liên kết lại với nhau để tạo thành khối trần chắc chắn. Độ dày trung bình là khoảng 8cm.

4.3.3. Vách tường

Liên kết những nan tre có chiều ngang 2 – 3cm lại với nhau bằng lạt để tạo thành những ô vuông có cạnh 10cm. Đây gọi là hình thức “đan rục rịch”, phổ biến trong cả thời xưa và nay. Sau đó, trộn đất, nước, rơm lại với nhau và nhào thật kỹ rồi đắp lên rục rịch.

Khi đắp, cần có hai người thợ đứng trong và ngoài phối hợp một cách ăn ý và nhịp nhàng với nhau để đảm bảo độ chắc chắn cũng như thẩm mỹ cho bức tường. Công đoạn hoàn thiện cuối cùng là dùng vôi tôi bôi lên ngoài và quét vôi nước pha màu lên. Khi chúng khô lại, nhìn rất giống tường gạch.

5. Những mẫu nhà rường Huế phổ biến

Nhà rường Huế 3 gian: Là kiến trúc nhà rường gồm 3 phòng. Một phòng lớn ở chính giữa để đón khách. Hai phòng còn lại ở hai bên được phân định bằng cột trụ lớn.

Nhà rường Huế 3 gian 2 chái: Là mô hình nhà rường phổ biến nhất hiện nay. Khu vực chính giữa vẫn là phòng to nhất và được chia thành 3 gian cho 3 mục đích khác nhau. Hai bên là 2 chái tức, cũng có nghĩa là 2 phòng nhỏ.

Nhà rường Huế 3 gian 2 chái

Nhà rường Huế 5 gian: Gồm 3 gian chính và 2 gian phụ bên cạnh. Kết cấu ba gian chính sẽ tương tự như nhà rường 3 gian. Điểm khác nhau nằm ở diện tích và số cột của căn nhà.

Nhà rường Huế 5 gian 2 chái: Gồm 5 gian chính, 2 gian nhỏ hay 2 chái sẽ nằm ở 2 đầu hồi. Kiểu thiết kế này đòi hỏi diện tích lớn, nhiều chi phí nên chỉ dành cho tầng lớp phú hộ ngày xưa.

Nhà rường Huế 5 gian 2 chái:

Số lượng nhà rường Huế còn lại ngày nay hiện khá ít. Nhưng nó vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ một nét văn hóa dân tộc của người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng. Nếu có cơ hội tham quan mảnh đất Huế thì hãy bỏ chút thời gian khám phá nó nhé. Bất động sản ODT mong chờ sự ủng hộ của mọi người trong những bài viết sắp tới.