Trong bối cảnh nhà ở xã hội khan hiếm, người dân thiếu nhà ở, nhiều môi giới và giới đầu cơ tiếp tục trục lợi từ việc mua bán nhà ở xã hội với giá chênh từ vài trăm đến vài tỷ đồng.
Giá nhà ở xã hội leo thang
Nếu như cuối tháng 3 nằm ngoái, nhiều người được một phen choáng váng khi dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn tại Nam Từ Liêm, Hà Nội có giá bán công bố là gần 20 triệu đồng/m2, thì chỉ sau hơn một năm, dự án nhà ở xã hội này đã được môi giới rao bán với giá lên tới 40 - 42 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 2,5 lần giá mua vào.
Như vậy, với căn hộ diện tích nhỏ nhất là 69,9m2 tại NHS Trung Văn, giá tiền mua bán chênh lệch trong 1 năm đã lên tới trên dưới 1,3 tỷ đồng.
Không chỉ dự án nhà ở xã hội tại NHS Trung Văn được bán lại với giá "cao chót vót" mà nhiều dự án nhà ở xã hội khác tại các thành phố lớn cũng đang tăng giá chóng mặt. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội Ecohome tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội được môi giới bán lại với giá 40 - 45 triệu đồng/m2, trong khi đó, vào thời điểm bàn giao năm 2020, giá bán của chủ đầu tư tại dự án chỉ là 16,5 triệu đồng/m2.
Cẩn thận rủi ro pháp lý
Khi mua nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp và trung bình không chỉ lo ngại và giá cả ngày một "leo thang", mà còn dễ dàng rơi vào cái "bẫy" pháp lý khi nhiều môi giới và giới đầu cơ hiện đang bất chấp quy định để trục lợi.
Môi giới và giới đầu cơ đã lợi dụng việc "cơn khát nhà ở" lên đỉnh điểm để đẩy giá nhà ở xã hội lên cao, thậm chí rao bán cả những dự án chưa có đủ điều kiện để mở bán. Như dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 thuộc dự án Khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì mới chỉ được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, mà đã được không ít môi giới "dòm ngó" để ăn tiền “chênh” từ 500 triệu đến cả tỷ đồng.
Trước việc dự án nhà ở xã hội NO1 được rao bán rầm rộ, dù chưa đủ điều kiện mở bán, ông Trần Mạnh Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án nhà ở xã hội NO1, khẳng định công ty không liên kết với bất kỳ văn phòng hay sàn bất động sản nào, tất cả những hành vi mua bán, chuyển nhượng tại thời điểm này đều vi phạm các quy định của pháp luật.
Việc trục lợi từ chính sách phát triển nhà ở xã hội từ xưa đã có, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, dưới nhiều hình thức như mua bán sai đối tượng, mua bán ngoài hợp đồng hay chia ra làm 2 hợp đồng để thu tiền.
Những trường hợp giao dịch trên đều là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến cả người mua và người bán khi thanh tra xây dựng vào cuộc phát hiện xử lý.
Do đó, để ngăn chặn việc trục lợi từ dự án nhà ở xã hội, bảo vệ quyền lợi của người mua và đảm bảo các dự án nhà ở xã hội đều đến được tay người thực sự cần, các cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt các khâu từ xét duyệt đối tượng hưởng thụ, phân phối sơ cấp và phân phối thứ cấp, quản lý hoạt động môi giới, ngăn chặn hành vi đầu cơ, trục lợi từ các đối tượng bất chính,...