Hiện, giá các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đã tăng khoảng 200 - 400% so với giá mở bán, và dao động khoảng 35 - gần 60 triệu đồng/m2, tuỳ từng khu vực. Giá nhà ở xã hội hiện đã ngang ngửa giá nhà ở thương mại, khiến người mua lo lắng. 

Giá nhà ở xã hội Hà Nội tăng 3,4 lần, đắt ngang nhà thương mại

Nhiều dự án nhà ở xã hội tại thị trường bất động sản Hà Nội có giá bán tăng đột ngột, kể từ khi mở bán. Cụ thể, dự án Nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã tăng từ 15 triệu đồng lên 55 - 57 triệu đồng/m2.

Nhiều dự án nhà ở xã hội dù đã qua sử dụng cả chục năm nhưng giá đã tăng 2 - 3 lần so với giá ban đầu. Dự án Nhà ở xã hội Ecohome tại quận Bắc Từ Liêm tăng từ 16,5 triệu đồng/m2 (năm 2020) đến 40 - 43 triệu đồng/m2.

Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) được mở bán vào năm 2014 - 2015 với giá khoảng 13 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng gấp 3 lần, lên mức 40 triệu đồng/m2. 

Tương tự, dự án nhà ở xã hội tại Đại Kim (quận Hoàng Mai) từ 14 triệu đồng/m2 (năm 2016) thì nay đã tăng lên mức 32 - 35 triệu đồng/m2. Dự án Rice City Sông Hồng (quận Long Biên) có giá từ 13 triệu đồng/m2 (năm 2018) lên 39 - 42 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát của Bất động sản ODT, các dự án nhà ở xã hội hiện nay tại thị trường bất động sản Hà Nội đều đã tăng giá khoảng 200 - 400% so với giá mở bán ban đầu với giá bán dao động từ 35 - 60 triệu đồng/m2, tuỳ từng khu vực và chất lượng căn hộ. Đây là mức giá bán đắt đỏ, ngang với giá nhà ở thương mại, và vượt quá mức mà người lao động, người có thu nhập thấp có thể chi trả.  

Theo báo cáo thị trường của Savills, vào quý II/2024, thị trường Hà Nội không có nguồn cung căn hộ nào dưới 45 triệu đồng/m2. Theo các chuyên gia bất động sản dự đoán, trong tương lai, phân khúc căn hộ bình dân sẽ chỉ chiếm 25% nguồn cung mới trên toàn thị trường. 

Sự khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở bình dân trong khi thừa nhà cao cấp, nhu cầu nhà ở giá rẻ lớn đã gây ra tình trạng lệch pha cung cầu, khiến giá nhà ở xã hội tăng cao. 

Ngoài ra, giá chung cư hiện tại Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới. Thị trường đã dần vắng bóng các sản phẩm căn hộ dưới 50 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở hiện nay là rất lớn. Tổng nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội đến năm 2025 là 185.200 nhà (gần 90% là căn hộ chung cư), trong khi từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm Hà Nội thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ. 

Không chỉ có sự khan hiếm nguồn cung, nhu cầu lớn thúc đẩy giá nhà ở tăng cao mà giá căn hộ còn bị tác động bởi giá đất. Giá đất lại chịu ảnh hưởng bởi các quy định pháp luật mới. Hiện giá đất đã tăng lên rất nhiều so với 5 năm trước, khiến giá thành căn hộ không ngừng bị đẩy lên cao. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), để giá nhà ở xã hội hạ nhiệt, cần cho phép dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng lên tối đa 1,5 lần, nhằm tận dụng hiệu quả diện tích đất và tạo ra nhiều căn hộ hơn.

Đây là giải pháp giúp khuyến khích các chủ đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Bên cạnh đó, chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng sẽ được phân bổ ít hơn cho từng căn hộ, từ đó khiến giá nhà ở xã hội giảm xuống.