Chỉ vừa mới nhen nhóm lại hy vọng hồi phục, thị trường bất động sản du lịch lại chịu một đòn giáng nặng khi làn sóng Covid-19 lần thứ 2 xuất hiện tại Đà Nẵng rồi sau đó lan rộng ra 11 tỉnh thành khác. Liệu phân khúc từng làm mưa làm gió trên thị trường giai đoạn 2014-2018 này liệu có còn cơ hội hay không?

Bất động sản nghỉ dưỡng trong tâm bão Covid -19 thứ 2

Ảnh hưởng nặng đến tâm lý nhà đầu tư

Không như làn sóng Covid – 19 trước đây khi chỉ tập trung ở 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM, trong đợt bùng phát thứ 2 này tâm dịch là Đà Nẵng – thủ phủ của miền Trung, nơi vẫn được coi là thành phố đáng sống bậc nhất Việt Nam. Khi các biện pháp chống dịch cao nhất được sử dụng tại Đà Nẵng, gần như thành phố biển mới ngày nào còn tấp nập dưới ánh mặt trời thì nay gần như “đóng băng” hoàn toàn các hoạt động. Với việc 11 tỉnh thành đã phát hiện các ca mắc do đi từ tâm dịch Đà Nẵng về thì hy vọng về một cuộc hồi sinh của ngành du lịch gần như đã không còn. Theo các chuyên gia đánh giá, tác động lớn nhất của đợt bùng phát dịch thứ 2 này chính là ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, họ lo ngại các yếu tố bất định như dịch bệnh có thể sẽ quay trở lại bất kỳ lúc nào. Đặc biệt là ở phân khúc bất động sản du lịch, vốn đã chịu nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua nay lại càng thêm u ám.

Theo thống kê từ Savills, trong giai đoạn nửa đầu năm 2020 hoạt động của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hoạt động cực kì kém hiệu quả, công suất lấp đầy tại các resort, condotel, khách sạn hiệu suất thấp kỷ lục dẫn tới việc giá cho thuê cũng sụt giảm mạnh không kém. Với việc gần như không có nguồn khách du lịch nước ngoài, nay làn sóng thứ 2 cũng khiến cho lượng khách nội địa hủy tour tăng cao chưa  từng thấy đã khiến cho giới doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch – khách sạn cảm thấy thật sự hoang mang. Tình trạng phá sản và rao bán khách sạn, căn hộ du lịch cũng đang ngày một tăng do doanh thu sụt giảm đã ảnh hưởng đáng kể tới việc cân đối dòng tiền của những doanh nghiệp này.

Một số giải pháp nhằm duy trì nguồn khách nội địa đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng như cho phép khách lùi thời gian đặt phòng, tăng thêm voucher ưu đãi dịch vụ… tuy vậy cũng không khả thi trong bối cảnh cả nước vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới tăng không ngừng, gây ảnh hưởng tới tâm lý người dân có kế hoạch đi du lịch. Theo thống kê, lượng khách đã hủy phòng trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua là cao nhất trong lịch sử ngành du lịch – khách sạn Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, với diễn biến hiện tại có thể thấy rằng ngành du lịch sẽ phải chịu mất đi mùa du lịch cao điểm nhất trong năm nay và những thiệt hại này là không thể bù đắp.

Tình trạng đứt gãy tạm thời đối với ngành du lịch đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, và thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài. Các chuyên gia nhận định, trong kịch bản khả quan khi Việt Nam có thể kiểm soát tốt làn sóng thứ 2 trong khoảng thời gian 3 tuần tới, thì thị trường du lịch và nghỉ dưỡng cũng sẽ phải chờ tới năm 2021 mới có cơ hội phục hồi. Khi lượng khách du lịch quốc tế quay trở lại và khách nội địa có thể an tâm đi du lịch trở lại, lúc đó nguồn cầu về việc lưu trú tăng lên mới kích cầu được bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục theo. Còn hiện tại, đa số các doanh nghiệp trong mảng bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp nhiều khó khăn và phải tìm cách để “sống sót” qua giai đoạn này bằng các biện pháp như phát hành trái phiếu, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, chuyển đổi cổ phần hay thậm chí mua bán sát nhập với các đối tác có nguồn lực lớn hơn.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)