Năm 2019 đánh dấu một năm trầm lắng của thị trường bất động sản. Vậy, liệu năm 2020 này, tình hình có khả quan hơn không? Và dâu là phân khúc bất động sản thu hút đầu tư hơn cả?
Bán lẻ và bất động sản công nghiệp
Giám đốc Thị trường Hà Nội của JLL Việt Nam – bà Nguyễn Hồng Vân nhận định, trong năm 2020, xu thế đầu tư sẽ mở rộng ra những khu vực ngoại ô.
Phân tích về nhận định này bà cho biết, tại khu vực nội đô, quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp, giao thông ùn tắc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm khói bụi gần như thường trực, trong khi đó các vùng ngoại ô có quỹ đất dồi dào và hơn hết là môi trường sống trong lành. Tỷ lệ thuận với sự dịch chuyển đó là nhu cầu mua sắm để phục vụ sinh hoạt cũng gia tăng.
Trong khi đó, phân khúc bán lẻ tại thị trường TP.HCM và Hà Nội được nhận định là “miếng bánh” ngon khi thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Bởi lẽ, Việt Nam có quy mô dân số trẻ với tổng số dân lên đến 90 triệu, hứa hẹn sẽ là một thị trường đầy tiềm năng và bền vũng.
Một nghiên cứu khác của JLL chỉ ra rằng, giá thuê các trung tâm thương mại tại các quận huyện trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội khá ổn định. Đơn cử tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có mức giá thuê cao nhất, đạt 84,8 USD/m2/tháng, còn ở vùng ven là 28,2 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy lên tới hơn 90%.
Bên cạnh đó, bà Vân cũng cho biết, trong năm 2020, một phân khúc đầu tư tiềm năng khác đến từ bất động sản công nghiệp khi mà thương chiến Mỹ - Trung khiến cho làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất và dòng vốn có cơ hội đổ về Việt Nam nhiều hơn. Bởi lẽ, Việt Nam có lợi thế giá thuê đất và giá nhân công rẻ, trong khi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều ưu đãi.
Theo số liệu của JLL, tại TP.HCM, tỉ lệ lấp đầy và giá thuê ở các khu công nghiệp Việt Nam đã có chiều hướng tăng liên tục. Trong đó, mức giá thuê cao nhất thuộc về thị trường TP.HCM (162 USD/m2/chu kỳ thuê), đứng thứ 2 là Đồng Nai (160 USD/m2/chu kỳ thuê). Dự báo các KCN sắp ra mắt sẽ có tỉ lệ lấp đầy tốt giống như các KCN hiện hữu.
Bất động sản tại các tỉnh đang phát triển
Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - Ông Nguyễn Hữu Cường cho biết: Thị trường bất động sản tại Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là tại các thành phố lớn cầu nhiều nhưng cung thì khan hiếm. Điều đó có nghĩa là người có tiền muốn mua đất nhưng nguồn cung tương ứng với nhu cầu lại không thực sự nhiều.
Hậu quả là dòng tiền đang dần dịch chuyển về các tỉnh thành như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam – Đà Nẵng, Cần Thơ… nơi được dánh giá có tiềm năng phát triển và chỉ sổ năng lực cạnh tranh tốt. Theo một số thống kê, giá đất tại các khu vực kể trên đã tăng hơn gấp đôi.
Ngoài ra, ông Cường còn nhấn mạnh, khu vực nào có đông người đến sinh sống thì giá bất động sản khu vực đó sẽ tăng cao – đây là một trong những nguyên tắc của đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, giới đầu tư cũng phải biết đưa ra các dự báo về: tốc độ phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, xã hội… của vùng đó để có quyết định đầu tư chính xác, giảm thiểu rủi ro thất bại.
Condotel – “Quân bài” cuối cùng
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, cùng với viễn thông, bất động sản là 2 trong số những ngành có lợi thế ít ỏi để Việt Nam có thể dành thị trường với các đối thủ nước ngoài khi mà không thể cạnh tranh ở các ngành hàng công nghiệp.
Trong đó, condotel vẫn được vị chuyên gia này đánh giá cao nhất trong số các loại hình bất động sản. Lý giải cho lựa chọn này, ông Nghĩa cho biết: “Condotel là thế mạnh không chỉ của bất động sản mà còn của kinh tế nói chung.”
Kết hợp với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, văn hóa đa sắc màu và sự tăng trưởng của du lịch hàng năm khiến Condotel trở thành tiềm năng cuối cùng của bất động sản Việt Nam.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, phân khúc này đang gặp một số vướng mắc, trục trặc về vấn đề pháp lý nhưng nhìn chung đây vẫn là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao nếu như nhà đầu tư cân nhắc kĩ càng đến các yếu tố như: mức độ uy tín của chủ đầu tư, vị trí condotel ở đâu, sức hút của các tiện ích thuộc dự án condotel đó, mức cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư…
(Nguồn Tổng hợp)