Pháp luật có cho phép tài sản mua trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ/chồng hay không? Phải làm gì để nó không trở thành tài sản chung?
Làm thế nào để nhà mua trước hôn nhân không trở thành tài sản chung?
Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định rất rõ về tài sản riêng của vợ/chồng như sau:
“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.”
Do đó, căn nhà hoặc tài sản được mua, tạo lập trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ/chồng, theo pháp luật quy định, trừ trường hợp người sử hữu nhà, tài sản đó đồng ý chuyển tài sản riêng của mình thành tài sản chung của hai vợ chồng.
Trong trường hợp ly hôn, có phát sinh tranh chấp về tài sản, vợ/chồng sở hữu tài sản riêng cần chứng minh việc tạo lập tài sản đó là trước hôn nhân và cam kết không đồng ý nhập tài sản đó làm tài sản chung. Giấy tờ chứng minh gồm có: giấy chứng nhận kết hôn; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chủ sở hữu; sổ tiết kiệm...
Ngoài ra, để tránh rủi ro và tranh chấp liên quan tới tài sản riêng xảy ra, cả hai vợ chồng cần phải lập văn bản thỏa thuận tài sản riêng và nộp tại Văn phòng công chứng. Văn bản thỏa thuận này chỉ được lập và công nhận khi 2 người chưa đăng ký kết hôn, tức là chưa ra UBND xã, phường để làm thủ tục đăng ký kết hôn và sẽ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn.
(Nguồn tổng hợp)