Các cơn sốt đất thường có nguyên nhân xuất phát từ những quy hoạch về đô thị, quy hoạch về hạ tầng... cũng bởi vậy mà trong giới đầu tư thường có những người theo đuổi trường phái đầu tư theo quy hoạch. Trong số này, người thắng không ít mà người thất bại cũng nhiều.

Mua đất đón đầu quy hoạch, người cười kẻ khóc

Cơn sốt lên quận và cơn sốt lên thành phố

Đối với một nhà đầu tư bất động sản, yếu tố đầu tiên để đánh giá tiềm năng của bất động sản đó chính là nhìn vào các yếu tố về quy hoạch, sau đấy là những yếu tố khác như vị trí, pháp lý và giá cả. Nếu như một bất động sản nằm trong một khu vực có quy hoạch bài bản, có lộ trình phát triển rõ ràng thì chắc chắn sẽ được nhiều nhà đầu tư săn đón. Cũng chính bởi lý do này mà bao năm qua, giới đầu tư thường có thói quen “đi tắt đón đầu” các khu vực có thông tin về quy hoạch và thông tin về các dự án xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng... Nhờ sự có mặt của giới đầu tư và việc hoạt động tích cực của những môi giới, những sàn bất động sản ở khu vực đó đã làm cho giá đất tại những nơi này thường tăng nhanh lên một mặt bằng giá mới.

Bằng cách làm này, nhiều nhà đầu tư đã “ăn đậm” chỉ trong một thời gian ngắn chạy theo cơn sốt. Cuối năm 2020, thông tin về việc gộp 3 quận gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để xác nhập thành Thành phố Thủ Đức cũng đã khiến cho thị trường bất động sản nơi đây “dậy sóng”.

Ông Nguyễn Cường, một nhà đầu tư cá nhân tại khu vực Tp.HCM và Bình Dương là người đã có một số phi vụ cực kì thành công trong giai đoạn này nhờ khả năng nắm bắt thông tin. Khi tin đồn mới chỉ manh nha xuất hiện, ông đã kịp huy động người thân để mua liền 3 lô đất nền thuộc khu vực quận Thủ Đức cũ, và chỉ sau vài tháng khi việc xác nhập chính thức được hoàn thành ông đã thu lời về hàng tỷ đồng bởi giá đất khu vực này tăng ít nhất 30%. Tương tự như vậy là các nhà đầu tư tại Tp.Hà Nội trong cơn sốt đất năm 2019, các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đông Anh liên tục xuất hiện các thông tin sớm được lên quận đã khiến cho giá đất của các khu vực này “nhảy múa” chóng mặt.

Như chị Trần Như Ngọc, vốn là một nhà đầu tư cá nhân kiêm môi giới nhà đất tại khu vực huyện Hoài Đức, khi biết có thông tin quy hoạch từ huyện lên Quận, chị đã nhanh chóng “gom” được các mảnh đất nằm tại các khu vực đắc địa thuộc xã An Khánh, Hoài Đức. Chỉ sau đó thời gian ngắn, những mảnh đất của chị mua đều tăng từ 3 – 5 giá bất chấp thực tế là cho tới nay Hoài Đức vẫn chưa được công nhận lên quận. Trong những cơn sốt cục bộ này, không ít người đã nhạy bén và kiếm bộn tiền nhờ đầu tư theo thông tin, theo quy hoạch.

Bài học “đắt giá”

Mặc dù vậy, cũng có không ít nhà đầu tư phải “ngậm trái đắng” vì cách đầu tư này. Bởi bản chất của việc đầu tư theo quy hoạch đó đều có phần rủi ro khi tính đến yếu tố về độ trễ của quy hoạch, quy hoạch treo hoặc thậm chí bất động sản bị rơi vào diện “dính” quy hoạch.

Câu chuyện về những nhà đầu tư đón đầu  quy hoạch của trục Ba Vì – Hà Tây cách đây hơn 10 năm là 1 ví dụ kinh điển mà cho tới giờ giới đầu tư phía Bắc vẫn còn truyền tai nhau. Trong cơn sốt vì thông tin chuyển dịch trung tâm hành chính về khu vực Ba Vì – Hà Tây, phần đông các nhà đầu tư nhanh chân đón đầu bằng cách mua sẵn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn mét vuông đất để chờ quy hoạch đều đã ngậm đắng nuốt cay suốt hàng chục năm qua. Hay như khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc và các dự án tại Mê Linh cũng đã là nơi chôn tiền của rất nhiều nhà đầu tư cách đây hơn 10 năm chỉ vì trót chạy theo quy hoạch.

Trong đầu tư bất động sản, việc nắm được quy hoạch và có tầm nhìn về xu hướng phát triển của khu vực mình định mua là điều rất tốt, tuy nhiên không phải lúc nào chạy theo đám đông cũng là khôn ngoan. Các chuyên gia cho rằng để hạn chế rủi ro, ngoài việc chạy theo quy hoạch và xây dựng hạ tầng, nhà đầu tư còn phải quan tâm tới các yếu tố khác như tiện ích khu vực, mật độ dân cư và tiềm năng phát triển của địa phương, chỉ khi hội tụ các tiêu chí đó thì mới nên đưa ra quyết định đầu tư.