Sau 5 năm đi vào hoạt động, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không còn đáp ứng được yêu cầu lưu thông hiện tại. Chính vì thế, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề xuất mở rộng cao tốc này lên 8 làn xe với tổng vốn đầu tư khoảng 11.505 tỷ đồng. Nếu được thông qua, dự án có thể đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Cần hơn 11.505 tỷ đồng để “giải cứu” cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Mở rộng 24 km, chia làm hai đoạn

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đơn vị đã nhận được báo cáo đầu kỳ của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông). Theo đó, đoạn mở rộng này có chiều dài 24 km trên tổng số 55 km toàn tuyến, sẽ được nâng cấp từ 4 làn xe lên 8 làn xe.

Điểm đầu dự án nằm tại cầu Bà Dạt (Km 0+800), phường An Phú, TP. Thủ Đức (trước là Quận 2); điểm cuối nằm tại nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, huyện Long Thành, Đồng Nai Tàu (Km 24+558). Phần 31 km còn lại sẽ giữ nguyên thiết kế như hiện giờ. Ngoài ra, cũng theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (đơn vị tư vấn lập báo cáo, phạm vi mở rộng đường cao tốc), dự án mở rộng sẽ được chia làm hai đoạn riêng biệt.

Đoạn 1 bắt đầu từ An Phú (Km 0+000) đến Vành đai 2 (Km 4+514), là đường đô thị, sẽ được mở rộng thêm 4,75 m mỗi bên để đạt quy mô 8 làn xe. Tổng chiều rộng nền đường là 36 m, tốc độ tính toán là 100 km/h. Đoạn hai từ Vành đai 2 (Km 4+514) đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km 24+588) sẽ được mở rộng thêm 7,5 m mỗi bên để đạt quy mô 8 làn xe. Tổng chiều rộng nền đường là 42,5 m, tốc độ tính toán là 120 km/h.

Đối với cầu Long Thành sẽ xây thêm một đơn nguyên hoàn chỉnh rộng 19,75 m như giai đoạn 1. Đơn nguyên này nằm về hạ lưu của cầu hiện tại, cách đơn nguyên cũ 12,75 m. Như vậy, tổng chiều rộng của cầu là 52,5 m và tốc độ tính toán là 100 km/h.

Theo ước tính của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tổng vốn đầu tư để mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây rơi vào khoảng 11.505 tỷ đồng. Trong đó, 8.306 tỷ đồng là chi phí xây dựng, 405 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng, 2.794 tỷ đồng còn lại là chi phí dự phòng, tư vấn và quản lý dự án… Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2021- 2025.

Đáp ứng yêu cầu thực tế

Được biết, giai đoạn 1 của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với quy mô 4 làn xe đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tuyến cao tốc đón hơn 52.000 xe mỗi ngày nên ùn tắc thường xuyên diễn ra, đặc biệt là những dịp lễ, tết. Vậy nên, Bộ GTVT đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ cuối năm 2019. Việc mở rộng này không chỉ làm giảm gánh nặng cho tuyến đường cao tốc mà còn để kết nối với sân bay Long Thành và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Trước đó, vào tháng 5/2020, Bộ GTVT đã nhận được thư của Thứ trưởng phụ trách các dự án nước ngoài HIRAI Hideki, Bộ Giao thông, Cơ sở hạ tầng, Đất đai, Du lịch Nhật Bản thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Nội dung thư thể hiện mong muốn về việc tiếp tục hợp tác để triển khai thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (bao gồm cả cách thức triển khai bằng nguồn vốn ODA). Dự án được vận hành và bảo dưỡng theo hình thức chuyển nhượng quyền khai thác sau khi mở rộng.