Nắm trong tay nhiều dự án nhưng Công ty TNHH Ngọc Linh (Ngọc Linh) của ông Vũ Đức Tuấn (Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật) lại có kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Trong 3 năm gần đây, lợi nhuận doanh nghiệp liên tục giảm khiến ngân hàng phải rao bán khoản nợ hơn 2.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp sở hữu hai dự án bất động sản tại Hà Nội bị BIDV “siết nợ”

Ba dự án của Ngọc Linh

Thứ nhấtdự án tại số 34 phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo một thông tin được đề cập bởi Công ty CP Vinaconex 2 (nay là Công ty Đầu tư và Xây dựng Vina2), doanh nghiệp đã kí hai hợp đồng với Công ty TNHH Ngọc Linh để thực hiện tổ hợp dịch vụ, văn phòng, thương mại, căn hộ chung cư cao cấp với tên thương mại là Ngọc Linh Plaza. Dự án có quy mô hơn 7.000 m2, cao 35 tầng.

Thứ hai là dự án tại số 151 Yên Phụ (nay là số 161 Yên Phụ), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Được biết, hồi cuối năm 2004, UBND Hà Nội đã có Quyết định số 9766/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Ngọc Linh chuyển mục đích sử dụng lô đất nói trên vào mục đích xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh. Suốt từ đó đến nay, dự án vẫn chưa thể khởi công vì gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thứ ba là Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Dự án được thực hiện trên diện tích 643.885,2 m2 và có thời hạn sử dụng đất tới ngày 26/09/2057). Ngay từ khi đưa vào sản xuất, dự án gặp phải nhiều “dớp” như thiếu nguyên liệu, điều chỉnh chỉ tiêu công nghệ, hiệu chỉnh, sửa chữa máy móc… Hiện tại, nguồn vốn cho đầu tư xây dựng dự án đã cạn kiệt. Dự án còn phải cố gắng thu mua quặng ở khắp nơi để phục vụ vì chưa được cấp mỏ để hoạt động.

Tình hình kinh doanh ra sao?

Sở hữu nhiều dự án là vậy nên việc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với giá khởi điểm 2.164 tỷ đồng đã khiến giới đầu tư không khỏi sửng sốt. Cụ thể, toàn bộ dư nợ gốc và lãi phát sinh tính đến ngày 28/12/2020 của Ngọc Linh tại BIDV là 2.404 tỷ đồng. Trong đó, 1.385 tỷ là dư nợ gốc, 1.019 tỷ đồng là lãi phát sinh và phí phạt.

Tìm hiểu sâu về doanh thu của Ngọc Linh, ODT thấy rằng doanh thu thực của công ty trong giai đoạn 2017 – 2019 có biến động mạnh. Theo đó, doanh thu năm 2018 là 5,3 tỷ đồng, giảm đến 85% so với năm trước (gần 37 tỷ đồng). Con số này hồi phục vào năm 2019 khi đạt khoảng 51 tỷ đồng. Cùng giai đoạn, lợi nhuận thuần của công ty cũng đi theo chiều hướng giảm, từ 505 triệu đồng vào năm 2017 xuống 144 triệu vào năm 2018. Đến 2019 thì giảm xuống hơn 730 triệu đồng.

Trong bối cảnh hai dự án bất động sản chỉ mới “nằm trên giấy”, dự án Nhà máy điện chì kẽm vẫn chưa thể hoạt động sau hơn 10 năm xây dựng thì lãi thuần của công ty liên tục tụt dốc là điều dễ hiểu.

Quay trở lại với tình hình tài chính, theo bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của doanh nghiệp này tính đến hết năm 2019 đạt 3.230 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu kì. Trong đó, 2.028,5 tỷ đồng (chiếm 62,8%) là nợ phải trả; 1.201,5 tỷ đồng còn lại (chiến 37,2%) là vốn chủ sở hữu.

Một số doanh nghiệp khác có liên quan đến Ngọc Linh cũng có kết quả kinh doanh không mấy tích cực. Chẳng hạn như, Công ty CP Đầu tư Trường An Hải Phòng (ông Vũ Đức Tuấn chiếm 65% vốn) lỗ 4 triệu đồng trong năm 2019. Hay Công ty TNHH MTV Đầu tư Nhà Hoàng Mai (công ty con của Ngọc Linh) cũng lỗ 3,1 triệu đồng.