Khi thực hiện các thủ tục hành chính hay làm việc tại các cơ quan, tổ chức bạn sẽ không còn lạ lẫm với hàng loạt mẫu giấy ủy quyền. Vậy mẫu giấy ủy quyền là gì? Được Nhà nước quy định ra sao? Những mẫu giấy ủy quyền nào đang được nhiều người sử dụng? Sau khi đọc bài viết dưới đây bạn sẽ có câu trả lời cho mình.
1. Giấy ủy quyền là gì?
Trước tiên, ủy quyền là việc giao quyền cho một cá nhân hay tổ chức nào đó thay mặt mình xử lý một số công việc hợp pháp. Người giao quyền có thể là cá nhân, công ty, doanh nghiệp hay cơ quan, tổ chức. Từ đó, giấy ủy quyền chính là văn bản chứng thực người ủy quyền giao người được ủy quyền đại diện làm một hoặc nhiều việc có quy định chi tiết trong giấy ủy quyền.
Tuy nhiên, nhiều người thường hay nhầm lẫn giữa các mẫu giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền. Theo quy định hiện hành, hợp đồng ủy quyền phải nhận được sự ký kết và đồng ý của hai bên. Tức là bên nhận ủy quyền bắt buộc phải làm theo những công việc đã được thể hiện trong hợp đồng. Ngược lại, các mẫu giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý.
Chính vì vậy, những việc đơn giản, dễ làm, đã có “ngầm ý” thống nhất giữa hai bên quyền thì sẽ lập giấy ủy quyền. Còn những công việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến sự sống còn của công ty, tổ chức thì bắt buộc phải làm hợp đồng ủy quyền.
Nhưng, vẫn có một số trường hợp mà Nhà nước không cho phép người được ủy quyền làm thay gồm:
- Đăng ký kết hôn hoặc làm thủ tục ly dị
- Lập, công chứng di chúc thừa kế của bản thân
- Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng
- Cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2.
2. Một số mẫu giấy ủy quyền phổ biến
Nhu cầu của con người ngày càng đa dạng nên mẫu giấy ủy quyền cũng ngày một nhiều. Trong đó mẫu giấy ủy quyền cá nhân đang được sử dụng phổ biến nhất. Đây là hình thức ủy quyền giữa cá nhân và một cá nhân khác. Bạn có thể tham khảo một số mẫu giấy ủy quyền được nhiều người tìm kiếm nhất hiện nay dưới đây:
2.1 Mẫu giấy ủy quyền cho thuê nhà đất
Mẫu giấy ủy quyền cho thuê nhà đất ra đời đáp ứng nhu cầu của những chủ nhà không sinh sống ở Việt Nam hay nằm cách xa ngôi nhà mình sở hữu. Theo đó, chủ nhà sẽ đại diện cho một người thay mặt mình làm việc với người có nhu cầu. Người được ủy quyền có trách nhiệm ký kết hợp đồng khách thuê và thu tiền hàng tháng.
Thông thường, những người được ủy quyền là người có mối quan hệ trực tiếp hoặc thân thiết với người ủy quyền. Nếu không hãy liên hệ với người quen mà bạn tin tưởng hoặc người đã trực tiếp xây dựng căn nhà đó. Khi làm mẫu hợp đồng thuê nhà, cần lưu tâm một số nội dung sau:
- Phải có thỏa thuận chi tiết về thời hạn ủy quyền, phạm vi ủy quyền, tránh trường hợp lạm quyền để thực hiện những hành vi không được phép.
- Có cam kết rõ ràng về việc thực hiện ủy quyền.
2.2 Mẫu giấy ủy quyền mua bán nhà đất
Mẫu giấy này cho phép người được ủy quyền mua bán, chuyển nhượng mảnh đất và toàn bộ tài sản trên đó cho người khác. Vì vậy, trường hợp này cần làm mẫu giấy ủy quyền vô cùng cẩn trọng và chi tiết. Trong đó cần có thông tin cụ thể về hai bên: Họ và tên, chứng minh thư / căn cước công dân, địa chỉ…
Các điều khoản về nội dung ủy quyền, thời gian ủy quyền, cam kết cũng cần được nêu rõ sau khi các bên đã làm việc trực tiếp với nhau. Chú ý, mẫu giấy ủy quyền mua bán nhà đất càng chi tiết thì càng giảm bớt được tranh chấp, mâu thuẫn sau này.
3. Quy định của Nhà nước về giấy ủy quyền
3.1 Về giá trị pháp lý
Cần khẳng định, mẫu giấy ủy quyền hoàn toàn có giá trị pháp lý. Vì thế nội dung, yêu cầu, nguyên tắc hoạt động của mẫu giấy ủy quyền đều nằm trong quy định của pháp luật. Cụ thể
- Việc xác lập giấy ủy quyền phải phù hợp với quy định về căn cứ xác lập quyền đại diện tại Điều 135, Luật Dân sự 2015.
- Thời hạn của giấy ủy quyền tùy theo thỏa thuận của mỗi bên. Nếu không có kinh nghiệm hãy áp dụng quy định về thời hạn đại diện tại Điều 140, Luật Dân sự 2015.
- Phạm vi của người được ủy quyền giới hạn về quyền theo quy định về phạm vi đại diện ủy quyền tại Điều 141, Luật Dân sự 2015.
- Bên cạnh quyền và nghĩa vụ trong nội dung ban đầu của giấy ủy quyền, cả người ủy quyền và người nhận ủy quyền còn chịu ràng buộc theo quy định từ Điều 274 đến Điều 291 của bộ luật dân sự năm 2015.
Ngoài ra, còn có một số trường hợp cá biệt về giấy tờ ủy quyền như:
- Trường hợp hộ gia đình có con cái chưa đủ tuổi vị thành niên (dưới 15 tuổi) thì cha mẹ có quyền đại diện mà không cần giấy ủy quyền.
- Trường hợp từ 15 đến dưới 18 tuổi thì có thể là người đại diện ủy quyền. Với những giao dịch dân sự mà nhà nước quy định thì vẫn yêu cầu người từ 18 tuổi trở lên theo Khoản 3, Điều 138, Luật dân sự năm 2015.
- Trường hợp tài sản là sở hữu chung của vợ chồng thì có thể làm giấy ủy quyền định đoạt tài sản chung của 2 người trong quá trình hôn nhân theo quy định tại Khoản 3, Điều 213, Luật dân sự 2015.
3.2 Có cần công chứng giấy ủy quyền không?
Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Luật Dân sự 2015 cũng không quy định cụ thể trường hợp nào phải công chứng giấy ủy quyền. Nhưng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng và yêu cầu người dân phải tuân theo. Một số trường hợp bắt buộc phải công chứng là:
- Trường hợp các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia hoặc thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Mọi thay đổi về người đại diện phải thông báo cho các bên liên quan (Khoản 1, Điều 101, Luật Dân sự 2015).
- Ủy quyền của người lao động cho người đại diện để thực hiện điều tra về tai nạn lao động cấp cơ sở khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác (Khoản 1, Điều 35, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015).
- Cá nhân uỷ quyền cho cá nhân khác thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trừ trường hợp người yêu cầu là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần giấy ủy quyền (Khoản 3, Điều 45, Luật Lý lịch tư pháp 2009).
- Người sử dụng đất thực hiện các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn, thừa kế phải lập giấy ủy quyền và có chứng thực, công chứng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cơ quan được cấp phép hành nghề công chứng (Khoản 3, Điều 167, Luật đất đai năm 2013). Trường hợp này, giấy ủy quyền phải làm rõ trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của hai bên để giải quyết nhanh chóng khiếu kiện nếu có.
3.3 Điều kiện công chứng giấy ủy quyền
Không phải lúc nào mang giấy ủy quyền đi cũng được cơ quan công chứng đóng dấu và xác thực. Một số quy định về công chứng giấy ủy quyền mà bạn bắt buộc phải tuân theo như:
- Cần sự có mặt của cả người ủy quyền và người được ủy quyền tại nơi công chứng.
- Nội dung ủy quyền phải bảo đảm các quy định về pháp luật, không công chứng cho những ủy quyền gây tổn thất, thiệt hại cho người được ủy quyền hay những pháp nhân có liên quan.
- Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết để chứng minh nhân thân, giá trị pháp lý của mẫu giấy ủy quyền.
Về thủ tục tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả công chứng giấy ủy quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 55 luật công chứng 2014. Cụ thể:
- Người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ tại cơ quan, tổ chức có chức năng công chứng. Yêu cầu xuất trình bản chính các giấy tờ liên quan để đối chiếu, chứng thực.
- Sau khi nhận hồ sơ, công chứng viên sẽ kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, hợp pháp của giấy tờ. Nếu có sẽ yêu cầu bổ sung, sửa đổi.
- Sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ cho hai bên tiến hành ký kết.
- Công chứng viên yêu cầu người công chứng ghi lời chứng và ký vào từng tờ của giấy ủy quyền.
- Cuối cùng là trả công chứng, giấy tờ.
Với những chia sẻ trên đây, bất động sản ODT đã cung cấp đến cho bạn đọc được kiến thức cơ bản về các mẫu giấy tờ ủy quyền và việc chứng thực mẫu giấy tờ ủy quyền. Hy vọng bạn sẽ hiểu và có thể áp dụng được ngay lập tức. Những thông tin, tin tức, pháp luật liên quan đến nhà đất sẽ tiếp tục được chúng tôi chia sẻ trong thời gian tới.