Thị trường bất động sản Hà Nội những tháng vừa qua đã điêu đứng bởi dịch bệnh Covid-19. Mới đây sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nhiều dự án bất động sản cũ đang dần trở lại nhưng không thể vực dậy được toàn bộ thị trường. Một số dự án mới cũng đang triển khai nhưng ít được kỳ vọng vì nhu cầu quá cao trong khi nguồn cầu lại quá thấp.
Cần có thời gian
Nhằm khắc phục những hậu quả mà dịch bệnh để lại, UBND thành phố Hà Nội mới đây đã trao quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư cho một loạt dự án. Trong đó phải kể đến nhiều dự án khủng như: Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây – Starlake (30.811 tỷ đồng); dự án Khu đô thị mới Mai Lâm, Xuân Canh, Đông Hội, huyện Đông Anh (34.879 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (khoảng 41.200 tỷ đồng)…
Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Thế Điệp cho biết: Đây là những tín hiệu tích cực cho thị trường thủ đô. Tuy nhiên nhanh nhất là năm 2021 chúng ta mới thấy được tác động thực sự của nó. Bởi vì, để một dự án bất động sản được lưu thông vào thị trường cần rất nhiều công đoạn như thi công, kiểm định, nghiệm thu đến mở bán.
Làm rõ hơn quan điểm của mình, ông Điệp phân tích: Có rất ít chủ đầu tư đủ tiềm lực về tài chính để tự mình triển khai một dự án bất động sản. Họ bị phụ thuộc vào dòng tiền của các cá nhân, tổ chức tài chính và quan trọng nhất là ngân hàng thương mại. Trong khi đó vì lo ngại rủi ro nên dư nợ tín dụng của các ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản bị siết chặt, gây không ít khó khăn cho chủ đầu tư. Chính vì vậy nguồn cung sẽ được hình thành trong tương lai cần có thời gian để tác động lên thị trường.
Bài toán nan giải giữa cung và cầu
Theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay Hà Nội có 58 dự án nhà chung cư đủ điều kiện để mở bán nhưng chỉ có 13% trong số đó thuộc phân khúc bình dân. Trong khi dân số tại đây mỗi năm một gia tăng đã khiến nguồn cung ít ỏi nói trên không đáp được nhu cầu của người dân.
Lý giải nguyên do dẫn đến sự chênh lệch, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - ông Sử Ngọc Khương cho biết phân khúc giá rẻ vẫn chưa đủ sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Tiềm tăng rất lớn nhưng lợi nhuận thu về rất mỏng, không khó hiểu vì sao rất ít doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này. Kết quả là nguồn cung không nhiều, bài toán đi vào ngõ cụt.
Động thái mới đây của Bộ Xây dựng đã cho thấy nỗ lực của cơ quan Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nhà ở giá rẻ. Cụ thể, Bộ đã đề xuất lên Chính phủ quy định giá bán căn hộ chung cư nhỏ hơn 70m2 không được vượt quá 20 triệu đồng/m2. Ông Khương cho rằng việc điều chỉnh chính sách như vậy sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người mua. Còn đối với doanh nghiệp, họ cần nhiều hơn thế nữa để quay trở lại phân khúc này.
Đầu tiên là vấn đề quỹ đất. Doanh nghiệp bất động sản hiện nay gặp vô vàn khó khăn, vì quỹ đất nội thành để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ rất eo hẹp. Thứ hai, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi về tiền sử dụng, tiền thuê đất cũng như các loại phí, lệ phí có liên quan khác. Thứ ba, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
(Tổng hợp bởi odt.vn)