Tình hình thị trường bất động sản sẽ diễn biến ra sao trong 2 quý cuối năm là điều mà nhiều người đang băn khoăn. Trước diễn biến khó lường do ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều dự báo cho rằng trong nửa cuối năm nay thị trường có thể sẽ khởi sắc hơn, tuy nhiên sẽ khó xảy ra tình trạng đẩy giá cao như những năm trước mà thay vào đó là duy trì mức độ ổn định.
Khó có đột biến về giá cả và lượng giao dịch
Theo dự báo của DKRA Việt Nam, trong nửa cuối năm nay số lượng nguồn cung căn hộ chung cư tầm trung sẽ duy trì ở mức cao, không xảy ra tình trạng khan hiếm như trước. Do đó về giá cả có thể sẽ không biến động nhiều và cũng khó có thể xảy ra tình trạng giảm giá sâu.
Ở phân khúc căn hộ thì sự khan hiếm hiện nay nằm tập trung ở phân khúc căn hộ giá rẻ, do nguồn cầu luôn duy trì ở mức cao và rất khó để có quỹ đất giá rẻ.
Điểm đặc biệt so với các năm trước là giờ đây nguồn cung căn hộ không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi các thành phố lớn mà đã lan ra các tỉnh lân cận, nơi có thể đón đầu xu hướng đầu tư mới như khu công nghiệp. Các tỉnh có lượng căn hộ chào bán ra thị trường khá lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Trong khi đó đối với phân khúc đất nền, nhiều chuyên gia đánh giá đây là thời điểm rất tốt để các nhà đầu tư gom hàng. Do các tác động của đại dịch, nhiều người đã buộc phải bán ra với giá giảm so với trước từ 5 – 10%, tuy vậy sức mua ở phân khúc này vẫn còn yếu do nhiều người dù có nguồn vốn nhàn rỗi nhưng vẫn đang chờ mức giá tốt hơn nữa.
Trao đổi với ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc DKRA Việt Nam cho biết hiện mặt bằng giá ở TP.HCM đã lên quá cao, do đó từ giữa năm ngoái các nhà phát triển dự án lẫn nhà đầu tư đều đã chọn phương án “đánh bắt xa bờ”, dịch chuyển về các địa phương xung quanh TP.HCM. Đánh giá đây vẫn là phân khúc được mọi người ưa thích nhất, nhưng ông cũng lưu ý người mua nên dùng tiền nhàn rỗi, tìm những nơi được hưởng lợi nhờ các dự án hạ tầng mới hoặc các khu vực đang có làn sóng dịch chuyển sản xuất.
Cùng với đất nền, phân khúc nhà phố và biệt thự vẫn được các chuyên gia đánh giá cao do hiện tại nguồn cung tại các thành phố lớn đang khan hiếm. Giá bán ở phân khúc này thường không biến động nhiều, do nhu cầu sở hữu và khả năng sinh lời ổn định. Nhược điểm là để sở hữu bất động sản thuộc phân khúc này thường nhà đầu tư cần có lượng tiền lớn, do đó trong bối cảnh hiện tại sẽ rất khó để giao dịch. Dù vậy trong dài hạn, chắc chắn những dự án tốt vẫn sẽ còn nhiều tiềm năng tăng giá.
Nói về bất động sản nghỉ dưỡng, ngược lại với các ý kiến cho rằng phân khúc này đang chìm trong khủng hoảng, các chuyên gia lại đánh giá đây là lúc rất tốt để mua vào. Có thể trong ngắn hạn thị trường sẽ gặp khó khăn, do chịu tác động trực tiếp từ việc lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh, nhưng về dài hạn thì chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam là không thay đổi. Việc Chính phủ đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt du khách vào năm 2050 sẽ là đòn bẩy rất mạnh cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng.
Nhìn chung, đa số đều thừa nhận thị trường đang chậm lại so với các năm trước, nhưng cho rằng đây là điều khó tránh khỏi và có thể là bước đệm cho một chu kỳ phát triển mới, bắt đầu với những tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2020.
(Tổng hợp bởi odt.vn)