Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đều có chung nhận định, thị trường vẫn đứng trước nhiều khó khăn, mặc dù đã có nhiều chính sách và giải pháp được thực thi, áp dụng nhằm tạo đà cho việc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp.

Khó chồng khó cho doanh nghiệp bất động sản sau Covid-19

Khó chồng khó

Ngày 9/7, tại “Diễn đàn Bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường”, ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm, rốt ráo.

Đơn cử như giải pháp về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Chính phủ đã cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây  dựng dự án nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như: tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hoàn trả nghĩa vụ tài chính; xác định lợi nhuận định mức; cơ chế dành quỹ đất 20%...

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong Quý III/2020, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ thông qua.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, Chính phủ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Từ đó, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân, vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: “Có thể nói các giải pháp của Chính phủ vừa qua là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh”.

Trong khi đó, Chủ tịch VCCI – TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, nhu cầu của thị trường vẫn cao, đặc biệt ở phân khúc nhà ở xã hội. Nhưng sự gia tăng nguồn cung vẫn khan hiếm do tác động của dịch Covid-19 khiến các dự án bị dừng hoãn và do những chồng chéo về thủ tục pháp lý.

Ông Vũ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Thị trường bất động sản đang đứng trước giai đoạn khó khăn. Do đó, cần bàn các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản do đây là một trong những thị trường góp phần kích hoạt quan trọng cho quá trình phục hồi nền kinh tế”.

Trong khi đó, từ góc độ thị trường, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tác động của dịch Covid-19 khiến cho chu kỳ 10 năm của thị trường diễn ra nhanh và tiềm ẩn nhiều khó khăn, rủi ro hơn. Trong khi đó, thị trường bất động sản có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách và đặc biệt nhạy cảm với thay đổi chính sách.

Ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ thêm: “Có những văn bản mới nếu doanh nghiệp không lo thủ tục trước khi có hiệu lực thì việc hoàn thiện được thủ tục mất rất nhiều thời gian. Chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện”.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp Bất động sản như: tạm hoãn ký quỹ, kéo dài tiền thuê đất, gia hạn chậm nộp thuế, giảm lãi suất cho vay…

 (Tổng hợp bởi odt.vn)