Bộ Xây dựng đã lý giải xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều. Theo Bộ Xây dựng, vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Lý do dòng tiền ngày càng đổ dồn vào bất động sản?

Lý do dòng tiền đổ dồn vào bất động sản

Một số nội dung cụ thể liên quan đến thị trường bất động sản quý 1 vừa được Bộ Xây dựng đưa ra. Theo Bộ Xây dựng, các chỉ số cơ bản của thị trường bất động sản vẫn duy trì sự ổn định như nguồn cung, lượng vốn đầu tư, lượng giao dịch, tín dụng, hoạt động của các doanh nghiệp. Trong các chỉ số của thị trường, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến chỉ số về giá bất động sản có nhiều biến động. Giá bất động sản nhìn chung đều tăng và xuất hiện hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực của các địa phương.

Bộ Xây dựng cho rằng, do các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ không ổn định và đang giao dịch ở mức cao; trong khi đó lãi suất tiền gửi với mức lãi suất thấp đã không còn đủ hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân dẫn đến các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều. Đây được cho là kênh đầu tư an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất cục bộ

Theo đó, các địa phương rất tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh, trong đó có chủ trương đầu tư các dự án lớn về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, việc sáp nhập, mở rộng, nâng cấp đô thị nhưng chưa có thông tin công khai, định hướng kịp thời cho người dân để giới đầu cơ lợi dụng tung tin, đồn thổi đẩy giá bất động sản.

Cũng theo Bộ Xây dựng, việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn là do thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng (kéo dài 1 – 2 năm trước, mới được tháo gỡ nhưng chưa có tác động rõ nét) dẫn đến nguồn cung bất động sản bị hạn chế. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất cục bộ.

Bên cạnh đó, thời gian qua việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức (thiếu quỹ đất, nguồn vốn hỗ trợ thiếu,…) dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nhiều so với nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ để các nhà đầu tư cũng như người dân thực hiện; thực hiện mua đi, bán lại, giao dịch trao tay nhiều lần để đẩy giá.

Bộ Xây dựng đánh giá, trong quý I/2021, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn và một số biến động. Đặc biệt là việc bất động sản diễn ra cục bộ với việc tăng mạnh trong thời gian ngắn tại một số khu vực. Tuy nhiên, với nhiều tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, trình tự, thủ tục về đầu tư, chính sách, xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang và sẽ phát triển ổn định trong thời gian tới.

Những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước mặc dù hiện tượng sốt đất nền mới chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án. Do vậy, để tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” bất động sản, cần phải có sự theo dõi kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.