Không chỉ các chủ đầu tư TP.HCM mong muốn rót tiền vào thị trường Hà Nội mà nơi đây còn dành được sự quan tâm đặc biệt từ nhà đầu tư nước ngoài. Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội – Bà Đỗ Thị Thu Hằng đã đưa ra 3 yếu tố khiến Hà Nội trở thành điểm đến lí tưởng trong làn sóng này.

Làn sóng chuyển hướng đầu tư bất động sản từ TP.HCM ra Hà Nội

Ba yếu tố chính

Thứ nhất, tính pháp lý được đảm bảo. Từ trước đến nay, tính pháp lý luôn được coi là yếu tố quyết định đến sự thành bại của dự án. Vậy nên, bất kỳ chủ đầu tư nào cũng đặc biệt chú ý đến nó. Nhưng với vị thế là trái tim của cả nước, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề này khi “đổ tiền” vào Hà Nội.

Thứ hai, thông qua sự cạnh tranh trực tiếp với chủ đầu tư bản địa, các chủ đầu tư mong muốn mang đến một làn sóng mới cho thị trường Hà Nội Trong vài năm trở lại đây, việc phát triển dự án tại thủ đô đã được đồng bộ với công tác xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng dưới con mắt của giới đầu tư TP.HCM, chất lượng những dự án này vẫn chưa bắt kịp với thị trường phía Nam.

Thứ ba, bản thân các chủ đầu tư đều có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nên việc kết hợp với nhà đầu tư để tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền là điều không khó khăn.

Nhận định về làn sóng

Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội – bà Hoàng Nguyệt Minh cho rằng, các chủ đầu tư tại TP.HCM có thế mạnh khi phát triển đa dạng các mô hình kinh doanh nhà ở. Việc nhiều chủ đầu tư lớn tập trung tại thành phố như Nam Long, Capital Land, Masterise, Mitsubishi… đã nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm của dự án.

Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, những chủ đầu tư này lại không có nhiều ưu thế. Phần lớn các dự án ở thủ đô đều do chủ đầu tư bản địa phát triển, chất lượng nhà ở, chung cư cũng có phần thấp hơn so với TP.HCM. Song, quỹ đất để phát triển dự án tại TP.HCM gần như cạn kiệt đã tạo làn sóng chuyển hướng đầu tư.

Theo bà Minh, khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư đến từ TP.HCM là tìm kiếm các dự án tiềm năng và cơ hội hợp tác với chủ đất tại Hà Nội. Để khắc phục vấn đề này, các chủ đầu tư cần xây dựng cấu trúc giao dịch linh hoạt, phát huy những ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để có cơ hội hợp tác với nhà đầu tư. Nếu như trước đây, các chủ đầu tư yêu cầu tỉ lệ đầu tư chiếm trên 75% thì bây giờ phải điều chỉnh xuống mức 51%, để có cơ hội đặt chân vào thị trường thủ đô.

Còn theo bà Hằng, các chủ đầu tư từ TP.HCM có thành công ở Hà Nội hay không vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ. Trong đó, khúc mắc lớn nhất là họ chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị hiếu tại đây. Cụ thể, những dự án tại trung tâm TP.HCM có thể có giá bán lên đến trên 10.000 USD/m2. Nhưng, để tìm thấy được một dự án như vậy tại Hà Nội là rất khó. Thậm chí, nếu có thì cũng rất ít người mua. Chính vì vậy, dù có kinh nghiệm trong phát triển BĐS nhưng để thành công tại thị trường Hà Nội là một thử thách không nhỏ cho các chủ đầu tư TP.HCM.

(Tổng hợp bởi odt.vn)