Có thể nói hai năm vừa qua là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với thị trường bất động sản TP.HCM. Vấn đề về pháp lý là bài toán lớn nhất đối với toàn thị trường, giờ đây nhiều nút thắt đã và đang dần được tháo gỡ giúp cho thị trường có dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá vẫn cần có thêm thời gian cho tới khi các quyết sách mới chính thức có hiệu lực.
Các nút thắt đang dần được tháo gỡ
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết trong thời gian qua có tới hơn 150 dự án chung cư có nguồn gốc đất liên quan tới đất công đã bị tạm dừng để rà soát lại các thủ tục đầu tư. Cho dù sau đó nhiều dự án đã được phép hoạt hoạt động trở lại nhưng trên thực tế là vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các thủ tục. Thực trạng trên diễn ra trong 2 năm vừa qua khiến cho toàn bộ thị trường bất động sản thành phố thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá nhà lên cao.
Tuy nhiên, sắp tới đây khi Luật đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực thì sẽ giải quyết rất nhiều về cơ chế, chính sách và các thủ tục để khơi thông cho các dự án bị bế tắc trong thời gian qua. Lấy ví dụ, trước đây khi muốn đầu tư dự án nhà ở thương mại, thì chủ đầu tư cần phải có đất có nguồn gốc là 100% đất ở hợp pháp (theo Luật nhà ở), chính điều này đã gây ra sự bế tắc của hơn 126 dự án trên địa bàn thành phố, nhưng với Luật mới với quy định “Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở” thì 126 dự án này gần như đã được tháo gỡ nút thắt.
Bên cạnh đó, hàng trăm dự án có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đang bị ách lại hơn 5 năm qua cũng sẽ được giải quyết khi Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Cũng theo chủ tịch HoREA, trong quá trình đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, HoREA đã kiến nghị Quốc hội thông qua theo hình thức rút gọn, theo hướng các luật sửa đổi có thể được áp dụng nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua Quốc hội vẫn quyết định các thay đổi mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021.
Trước các thông tin tích cực từ cơ chế chính sách, nhiều người cho rằng thị trường bất động sản TP.HCM sẽ sớm hồi phục, thoát khỏi tình trạng trầm lắng như thời gian qua. Theo các dữ liệu từ các công ty BĐS hàng đầu cho thấy, nguồn cung trong năm 2020 đã giảm hơn một nửa so với năm trước, là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, phần lớn là do các dự án mới gặp khó trong việc xin chủ trương đầu tư như đã đề cập. Mặc dù nguồn cầu vẫn còn lớn, nhưng trên thực tế các chính sách mới phải tới đầu năm sau mới chính thức có hiệu lực, do đó từ nay tới cuối năm thị trường toàn thành phố cho dù có khởi sắc hơn về mặt tâm lý nhưng cũng sẽ khó có nhiều thay đổi mang tính đột biến. Các chuyên gia đều cho rằng do độ trễ của chính sách, ít nhất phải từ nửa cuối năm 2021 thị trường mới có thể thấy được hết các tác động.
(Tổng hợp bởi odt.vn)