Giai đoạn 2016-2017 được coi là thành công nhất của phân khúc căn hộ khách sạn (Condotel), thời điểm này các dự án “mọc” lên như nấm và thường được các nhà đầu tư săn đón. Tuy nhiên cho đến nay, khi nhiều dự án bắt đầu đi vào vận hành thực tế thì một bức tranh khác hiện lên, với những lùm xùm chưa biết tới bao giờ mới được giải quyết dứt điểm.

Căn hộ nghỉ dưỡng là cơ hội hay cái bẫy đối với nhà đầu tư?   

Cam kết lợi nhuận chỉ là lời hứa suông?

Một trong những lý do khiến căn hộ condotel thu hút được nhiều người đầu tư đó chính là nhờ vào những cam kết chi trả lợi nhuận từ phía chủ đầu tư. Mức lợi nhuận này thường từ 10% trở lên (cao hơn lãi suất ngân hàng khá nhiều), đi kèm với đó là nhiều ưu đãi khác, chưa kể trong giai đoạn thị trường nóng sốt giá trị căn hộ còn tăng theo từng giai đoạn. Tất cả những điều đó sẽ thực sự là hấp dẫn nếu… nó được thực hiện. Tuy nhiên, từ khi ký kết hợp đồng cho tới khi công trình hoàn thiện xong và đi vào vận hành mới bộc lộ ra nhiều vấn đề bất cập. Việc vỡ trận cam kết lợi nhuận là điều khó tránh khỏi với một số chủ đầu tư. Giữa bức tranh u ám của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, việc các ông lớn như Cocobay hay FLC phá vỡ cam kết lợi nhuận (hoặc tạm dừng chi trả vô thời hạn) là các ngòi nổ khiến cho mô hình này ngày càng bị nhà đầu tư dè chừng.

Sự bội tín của chủ đầu tư Cocobay tại Đà Nẵng đã khiến cho hàng nghìn khách hàng và nhà đầu tư cảm thấy bàng hoàng. Trong số đó có cả những người đầu tư với số vốn hàng trăm tỷ.

Mới đây, tập đoàn FLC cũng thông báo tạm dừng chi trả lợi nhuận cam kết tại các dự án condotel Hạ Long, Quy Nhơn, Quảng Bình vì lý do khó khăn và ảnh hưởng bởi đại dịch.

Điều đáng nói, việc phá vỡ hay tạm dừng chi trả lợi nhuận này hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đầu tư, trong khi đó người mua luôn ở thế yếu và bị động, chả thể làm gì khác ngoài việc… căng băng-rôn phản đối. Việc này khiến cho giới đầu tư đặt câu hỏi, cam kết lợi nhuận kiểu này thì khác gì lời hứa suông?

Dấu hỏi về pháp lý vẫn chưa có câu trả lời

Không chỉ vấn đề cam kết lợi nhuận ảnh hưởng tới nhu cầu đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng, mà yếu tố pháp lý của loại hình này cũng là một phần không nhỏ khiến cho các nhà đầu tư phải băn khoăn. Suốt từ giai đoạn 2014 cho tới nay vấn đề pháp lý này vẫn chưa được giải quyết một cách rõ ràng.

Những tưởng loại hình căn hộ này sẽ được giải cứu sau khi Bộ TN&MT bắt đầu hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận sở hữu. Giữa bức tranh ảm đạm, thông tin này không khác gì tia sáng cuối đường hầm, khiến cho nhiều chủ đầu tư và người mua nhà hy vọng. Ấy vậy mà mới đây, Bộ Công An lại yêu cầu ngừng ngay việc chuyển condotel thành nhà ở như hiện nay thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Lý do là bởi sẽ xảy ra nhiều vấn đề phức tạp trong việc quản lý, chưa kể sẽ gây phá vỡ quy hoạch về dân số, ảnh hưởng tới hạ tầng khu vực, thậm chí có thể gây ra tình trạng trục lợi chính sách…

Hướng tới một thị trường bền vững hơn

Trước ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh lên ngành du lịch, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn đang dính nhiều lùm xùm lại càng trở nên khó khăn hơn. Lượng khách du lịch quốc tế vốn là lực đẩy chính cho du lịch đã gần như tê liệt hoàn toàn trong năm 2020 và dự báo có thể kéo dài sang năm 2021. Để dự báo thời điểm phục hồi của phân khúc này vào lúc này là rất khó, bởi sẽ còn phụ thuộc vào việc bao giờ thì thế giới kiểm soát hoàn toàn được Covid-19. Tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn đánh giá, về lâu dài Việt Nam vẫn sẽ chú trọng tới ngành công nghiệp không khói này, và du lịch sẽ vẫn được định hướng là ngành mũi nhọn. Do đó khó khăn trước mắt có thể là cơ hội cũng như thách thức, để sau khi cơn khủng hoảng đi qua sẽ chỉ có những dự án “mạnh khỏe| thật sự mới có thể tồn tại và phát triển, hướng tới một thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lành mạnh, bền vững hơn.

 (Tổng hợp bởi odt.vn)