Trong suốt một thập kỷ qua, chưa bao giờ bức tranh về thị trường khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh lại u ám như thế này. Giá thuê phòng tại thành phố trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 25%, công suất phòng chạm đáy, thị trường khách sạn đối mặt với khủng hoảng trầm trọng.

Kinh doanh khách sạn “ngấm đòn” Covid-19

Những con số biết nói

Báo cáo của tập đoàn Savills cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động mạnh đến thị trường bất động sản nói chung và phân khúc khách sạn nói riêng. Nếu bất động sản nhà ở có thể chuyển đổi sang hình thức bán hàng online, bất động sản công nghiệp thu hút dây chuyền sản xuất nước ngoài thì phân khúc khách sạn chỉ có thể nằm im chịu trận. Không có bất kì giải pháp nào khi Việt Nam dừng cấp thị thực, lệnh giãn cách xã hội được đặt ra.

Về công suất và giá thuê: Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, giá phòng đã tụt xuống mức 74 USD/phòng/đêm, công suất thuê điều chỉnh 32%. Nếu chỉ tính riêng quý II thì con số này còn thê thảm hơn nữa khi công suất thuê chỉ đạt 12%, tác động trực tiếp này đã khiến giá thuê phòng trung bình giảm 21% so với quý II/2019 và giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, khách sạn 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nhất do phụ thuộc rất nhiều vào khách quốc tế nhưng lượng khách này trong 6 tháng đầu năm đã giảm 69% theo năm.

Về doanh thu, so với năm 2019, doanh thu lữ hành giảm 71%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 47%. Sau thời gian giãn cách xã hội, doanh thu du lịch lữ hành giảm 96%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 48%.

Về số lượng dự án, thời điểm trước dịch bệnh toàn thành phố có 124 khách sạn cung cấp cho thị trường hơn 16.250 phòng. Tuy nhiên đến hiện tại, nguồn cung đã giảm 23%, tức là chỉ còn 84 dự án và 12.400 phòng. Nguyên nhân là một số khách sạn không có người thuê, thu không bù được chi buộc phải đóng cửa tạm thời. Điển hình là InterContinental Asiana Saigon và Norfork đã cắt bớt nhiều dịch vụ và tiện ích để tối đa hóa chi phí vận hàh. Các chuỗi A&Em, Silverland, Alagon và Liberty đóng cửa một số chi nhánh để tập trung vào những dự án có tiềm năng hơn.

Dự báo về tương lai ngắn hạn, Savills cho rằng phân khúc khách sạn tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng còn lại của năm. Lượng khách trong nước sẽ có cải thiện nhưng không đáng là bao so với số phòng trống hiện tại. Hơn thế nữa 4.000 phòng khách sạn từ các dự án mới tiếp tục gây áp lực lớn lên thị trường

Tuy nhiên nếu tính lâu dài, hơn 77% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 là khách Đông Nam Á, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Những quốc gia này đã kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho đất nước ta sớm mở lại đường bay thương mại. Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất mở đường bay thương mại đến một số nước từ tháng 8. Nếu được thông qua thì đây sẽ là cơ hội cho phân khúc khách sạn phục hồi.

(Tổng hợp bởi odt.vn)