Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết ngày 31/8/2020, có đến 950 cơ sở lưu trú trên địa bàn thủ đô tạm dừng hoạt động, kéo theo đó là gần 16.000 lao động tạm thời không có việc làm. Trong đó, phân khúc khách sạn cao cấp rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Khủng hoảng nghiêm trọng ở phân khúc khách sạn cao cấp tại Hà Nội

Chưa tìm ra lối thoát

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – ông Trần Trung Hiếu cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà suốt thời gian qua, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thủ đô Hà Nội khá vắng vẻ. Mặc dù các cơ sở lưu trú tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, giá cả dịch vụ giảm từ 40 – 60% với nhiều sản phẩm đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhưng điều này vẫn không thể làm thay đổi cục diện của thị trường.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 3.400 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, số cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng từ 1 đến 5 sao là 564 cơ sở với 22.749 buồng phòng.

Được biết, thời điểm này công suất sử dụng của các khách sàn từ 1 – 5 sao trên địa bàn thành phố chỉ đạt trung bình 10,6% - so với cùng kỳ năm 2019 giảm 53,4%. Cụ thể: khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi đạt 25%; Lotte đạt 30%; Crown Plaza đạt Hà Nội 18%; Deawoo Hà Nội đạt 7% (tức 93% số phòng còn lại tối đèn.)...

Đáng chú ý, phân khúc khách sạn cao cấp (từ 3 – 5 sao) như: khách sạn Thắng Lợi, Authentic HaNoi, Melia, HaNoi Opera, Hilton… chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và rơi vào khủng hoảng trầm trọng với công suất sử dụng phòng thấp chưa từng có. Bởi lẽ đối tượng phục vụ chủ yếu của khách sạn thuộc phân khúc này là khách quốc tế, trong khi thời điểm này du lịch toàn cầu đang bị đóng băng và Việt Nam vẫn chưa mở đường bay đến bất cứ quốc gia nào.

Tính đến hết ngày 31/8/2020, có đến 950 cơ sở lưu trú trên địa bàn thủ đô tạm dừng hoạt động, kéo theo đó là gần 16.000 lao động tạm thời không có việc làm.

Đặc biệt, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đúng mùa du lịch, cộng với số ngày nghỉ của dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay ngắn mà doanh thu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sụt giảm mạnh dù đã đồng loạt tung các gói giảm giá dịch vụ từ 40 - 50%. Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí... lượt khách và sức mua rất hạn chế, ước tính doanh thu giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Lượng khách du lịch năm nay tại các điểm đến chủ yếu là khách nội địa, người dân tại địa phương, giới trẻ đi tham quan du lịch với số lượng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Ồ ạt rao bán cắt lỗ

Trước thực trạng trên, hàng loạt các khách sạn từ phân khúc gia đình nhỏ lẻ (2 – 3 sao) cho đến các khách sạn hạng sang (4 – 5 sao) trên địa bàn thành phố rao bán cắt lỗ với giá bán từ vài chục tỷ đồng cho đến khoảng vài trăm tỷ động tùy quy mô và vị trí khách sạn.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa nhận định: “Thực tế các khách sạn hạng sang mới đang chịu khó khăn lớn nhất. Đúng là những tập đoàn lớn sẽ có vốn trường, vốn dày nhưng để chịu lỗ nặng từ 1 - 2 năm không phải là đơn giản. Một số khách sạn chọn tạm ngưng hoạt động để cắt giảm tối đa chi phí, cố cầm cự qua dịch; Một số vẫn duy trì hoạt động không có nghĩa tiềm lực lớn còn chịu được mà có thể doanh nghiệp đang rất cần dòng tiền. Đối tượng này khả năng bán tháo cao. Từ giờ đến cuối năm, tình hình kinh doanh dịch vụ khách sạn sẽ còn xấu đi, dự báo một cuộc bán tháo khách sạn hạng sang sắp diễn ra”.

(Tổng hợp bởi odt.vn)