Đối với giao dịch bất động sản, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân bằng 2% giá trị bán nhà ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều người muốn giảm thuế phí trên nên đã cố tình khai giá bán thấp mà không biết các rủi ro sẽ gặp phải.

 khai-gia-ban-thap-de-tron-thue-chuyen-nhuong-nha-dat-can-than-rui-ro

Các rủi ro khi trốn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất

Theo pháp luật, khi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất, người bán sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân (trừ trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật). Thông thường, thuế thu nhân cá nhân mà người bán phải nộp sẽ bằng 2% giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng.

Mặc dù thường sẽ là người bán nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng pháp luật cũng không cấm hai bên thoả thuận và cho phép người mua/ bên nhận chuyển nhượng nhà đất là người nộp thuế.

Vì giao dịch nhà đất thường khó kiểm chứng việc giá bán thực tế và giá bán trên giấy tờ có giống nhau hay không, rất nhiều người lợi dụng kẽ hở này để cố tình khai giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn giá trí thực tế. Mục đích là để trốn thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, đây là hành vi trái pháp luật và nó có thể mang đến nhiều rủi ro mà không phải người bán nào cũng biết.

Cụ thể, đối với hành vi trốn thuế do khai báo giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế thì sẽ bị truy thu, xử phạt thậm chí là xử lý hình sự, theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuỳ theo mức độ vi phạm vào có hình thức xử phạt khác nhau. Cụ thể, nếu tiền trốn thuế từ 100 triệu đến 300 triệu đồng, người bán sẽ bị phạt từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng tới 1 năm. Trong trường hợp, tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng tới dưới 1 tỷ đồng, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Nếu tiền trốn thuế từ 1 tỷ đồng trở lên, người trốn thuế sẽ bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng tới 4,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Ngoài ra, việc trốn thuế không chỉ mang lại rủi ro cho người bán khi bị truy tố mà còn khiến cho hợp đồng giao dịch mua bán bị vô hiệu, theo Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo. Người mua sẽ là người bị thiệt nhất, đặc biệt là khi người mua đã thanh toán tiền mua nhà cho người bán.

Rủi ro cuối cùng liên quan đến công chứng viên. Nếu công chứng viên khi công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản biết khách hàng kê khai giá bán không đúng thực tế mà vẫn công chứng thì sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, việc kê khai giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá bán thực tế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản không chỉ gây rủi ro cho người bán mà còn gây thiệt hại cho người mua và công chứng viên cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm khi phát hiện ra sai phạm mà không khai báo.