Trước tình hình bất ổn, nhiều dự báo cho rằng hoạt động đầu tư bất động sản trong nửa đầu năm 2020 có thể sẽ chậm lại do các nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh chưa được kiểm soát sẽ khiến nhiều ngành nghề gặp khó khăn lớn, trong đó lĩnh vực bán lẻ và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

JLL đánh giá các phân khúc bất động sản trong năm 2020

Đầu tư bất động sản sẽ chậm lại trong năm 2020

Trong cuộc gặp với ông Stephen Wyatt - TGĐ JLL Việt Nam, vị này cho biết trong thời điểm này các doanh nghiệp cần tập trung chuẩn bị cho một kịch bản tăng trưởng chậm và có thể kéo dài, thay vì đặt cược vào bất kỳ dự đoán táo bạo nào..

Trong lịch sử kinh tế thế giới khi những sự kiện biến động về kinh tế tương tự xảy ra, giới đầu tư có xu hướng phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư an toàn, trong đó dòng sản phẩm nhà đất có giá trị khai thác dài hạn, biên độ lợi nhuận ổn định sẽ tốt hơn là chọn các loại hình ngắn hạn.

JLL cũng dự báo thị trường vốn và các hoạt động đầu tư sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn, trong đó lĩnh vực du lịch, khách sạn và bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Đánh giá về các phân khúc bất động sản trong năm 2020

Về tác động của dịch Covid-19, ông Stephen Wyatt cho rằng tác động của tâm lý hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch, khiến cho ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó các khu vực chủ yếu phục vụ du khách trong nước sẽ ảnh hưởng ít hơn các thị trường có tỷ lệ khách quốc tế cao. Nhìn chung, trong ngắn hạn tỷ lệ lấp đầy của ngành này sẽ giảm mạnh.

Với khối văn phòng và bán lẻ, khi xu hướng làm việc từ xa tăng, có khả năng làm giảm tỷ lệ sử dụng văn phòng, do đó các chủ nhà với hợp đồng thuê ngắn hạn sẽ là đối tượng dễ bị thiệt hại nhất. Thực trạng đó sẽ làm trì hoãn hoạt động đầu tư, xây dựng của nhiều tòa nhà văn phòng trên địa bàn.

Riêng với ngành công nghiệp và hậu cần, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngắn hạn sẽ tác động lớn tới các doanh nghiệp logicstic, vận hành kho bãi. Các cảng biển và sân bay cửa ngõ chính sẽ bị đình trệ, dẫn đến giảm hiệu suất tài sản tại các khu vực này. Tuy nhiên về dài hạn, một số địa phương có ưu thế về giao thông liên vùng và có khả năng phát triển thành phố thông minh như tại Bình Dương hiện nay, sẽ vẫn có tiềm năng tăng trưởng đột phá.

Về xu hướng nhà ở, các khu dân cư với mật độ dân số cao và không gian cộng đồng lớn sẽ có khả năng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Mặc dù nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường nhưng người dân sẽ có xu hướng dịch chuyển ra các đô thị vệ tinh nhiều hơn, nơi mà các dự án khu đô thị mới với đầy đủ tiện nghi đang được hình thành.

Mặc dù các tác động của COVID-19 mang tính ngắn hạn đã khá rõ, nhưng các tác động đến xã hội và thị trường bất động sản trong dài hạn là điều cần quan tâm. Đại dịch lần này có thể sẽ thay đổi cách sống và làm việc của nhiều người, nhiều doanh nghiệp và tạo ra các mô hình hoạt động mới, phù hợp hơn với các diễn biến trong tương lai.

(Nguồn Tổng hợp)