Mức lương từ 20 – 30 triệu đồng/tháng không phải là thấp đối với người lao động tại TP.HCM, tuy nhiên với mức lương này người dân vẫn khó có thể mua nhà nếu như không có tích lũy từ trước. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giấc mơ sở hữu nhà ngày càng khó khăn hơn trong thập niên tới.
Đi làm 10 năm không bằng 1 năm đất tăng “nóng”
Là một người đã lao động và làm việc tại TP.HCM hơn 10 năm kể từ ngày ra trường, anh Kiều Minh Tuấn cho biết đến nay anh đã phải từ bỏ giấc mơ sở hữu nhà tại thành phố. Thay vào đó, anh và gia đình đã quyết định mua nhà tại một tỉnh giáp ranh với TP.HCM và chấp nhận di chuyển xa hơn mỗi ngày.
Anh Tuấn chia sẻ, từ ngày ra trường đi làm với mức lương ban đầu chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, sau 10 năm giờ đây anh đã lên chức quản lý với mức lương trên 20 triệu/tháng. Nếu tính cả mức lương của vợ là nhân viên văn phòng là hơn 12 triệu đồng/tháng, thì tổng thu nhập của gia đình anh cũng thuộc mức trung bình khá ở TP.HCM. Mặc dù vậy, 10 năm làm lụng tích góp với mong muốn sở hữu một nơi an cư lạc nghiệp tại thành phố của vợ chồng anh đã bay theo những cơn “sốt đất”.
Ban đầu vợ chồng anh muốn mua nền đất khoảng 80 m2 ở khu vực Thủ Đức cho gần nơi làm việc, tuy nhiên giá đất ở khu vực này bỗng nhiên tăng tốc khiến cho những lô đất mà anh chị định mua đều có giá từ 4 – 5 tỷ. Đó là những lô đất không có gì đặc biệt, còn những lô “đẹp hơn” thì thường bị hét lên tới 7 – 8 tỷ đồng, những số tiền này đều vượt quá khả năng tài chính của anh chị và gia đình. Những lô đất “vừa sức” hơn với giá 2 – 3 tỷ thì đều nằm ở những khu vực heo hút và pháp lý rất thiếu an toàn.
Sau hơn 1 năm quá mệt mỏi với việc tìm nhà đất tại TP.HCM, anh chị đã quyết định mua một nền đất ở tỉnh Bình Dương giáp với Thủ Đức. Anh Tuấn cho rằng mặc dù giá nền đất anh mua ở Bình Dương cũng đã cao hơn so với trước đây 1 năm, nhưng vẫn nằm trong khả năng tài chính của anh chứ không như những lô trên TP.HCM. Ngoài ra nền đất của anh được phân lô khá vuông vắn, đường xá cũng rộng rãi khang trang, anh tính sau này cất nhà lên ở sẽ tiện nghi hơn là cùng số tiền đó anh mua nhà trong hẻm ở TP.HCM.
Và những hệ lụy
Xu hướng rời bỏ thành phố để “dạt” về các khu vực vùng ven có vẻ như ngày càng diễn ra với tốc độ nhanh. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, làn sóng này diễn ra trùng với thời điểm giá đất TP.HCM bị các cơn sốt đất đẩy mặt bằng giá lên cao. Trường hợp như anh K.M.T không phải là cá biệt, mà diễn ra khá phổ biến với những người lao động tại các đô thị lớn. Với mức thu nhập phổ biến từ 8 – 15 triệu đồng/tháng, người lao động nếu không có hỗ trợ từ gia đình hoặc tích lũy đột biến nào đó, thì việc mua nhà gần như là không thể thực hiện được.
Theo nhận định từ Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hệ lụy của các cơn sốt đất đã khiến áp lực nhà cửa đè nặng lên tầng lớp lao động phổ thông. Điều này càng trở nên gay gắt hơn khi nguồn cung nhà giá rẻ ngày càng khan hiếm. Mặt bằng giá liên tục thiết lập các mức mới, nếu như trước đây phân khúc nhà ở trung cấp ở TP.HCM chỉ ở mức 30 – 35 triệu đồng/m2 thì nay đã lên mức 40 – 45 triệu đồng/m2, trong khi đó nhà ở bình dân cũng tăng từ mức 25 lên 30 triệu đồng/m2.
Với nhà đất liền thổ, mức độ tăng giá còn cao hơn so với căn hộ. Với mức tăng trung bình 10 – 20%/năm, giá nhà tăng trưởng đã vượt xa mức tăng thu nhập của người dân, chưa kể mỗi đợt thị trường có “sóng” thì mức giá có thể tăng từ 30 – 50%, thậm chí 100 – 200% tại một số khu vực. Thực trạng đáng báo động này hiện nay đang là bài toán nan giải cho các cơ quan quản lý, bởi các chuyên gia cho rằng khó có thể điều tiết thị trường khi giá cả được thị trường tự quyết định do quy luật cung – cầu. Trong thập niên tới giá nhà đất có thể sẽ không giảm đi, vì vậy giấc mơ sở hữu nhà ở đối với người lao động sẽ ngày càng khó khăn hơn.