Với việc huyện đảo Phú Quốc được nâng cấp trở thành thành phố đảo đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện về thị trường bất động sản tại đây lại một lần nữa nóng lên. Tuy nhiên bài học “vỡ bong bóng” năm 2018 đã để lại nhiều bài học cho tới tận bây giờ.
Nhiều nhà đầu tư vẫn còn bị ám ảnh
Nhìn lại quãng thời gian cách đây 5 năm, khi đó thị trường bất động sản Phú Quốc vẫn chưa có gì đặc biệt cho tới khi các ông lớn như Vingroup và sau đó là Sungroup về đây phát triển các dự án nghỉ dưỡng. Trong vòng 2 năm từ năm 2014 cho tới 2016, với tâm điểm là các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, thị trường bất động sản Phú Quốc bắt đầu trở nên “nổi tiếng” hơn và dần thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trên khắp cả nước.
Sang tới thời điểm năm 2017 và sau đó là 2018, đây là giai đoạn thị trường “nóng” hơn bao giờ hết với những luồng tin về việc Phú Quốc sẽ trở thành “đặc khu” đầu tiên của Việt Nam. Giá bất động sản tăng cao liên tục, khiến cho giới đầu cơ ào ào nhảy vào kiếm lời. Các câu chuyện lướt sóng kiếm lời vài tỷ cho tới vài chục tỷ được truyền tai nhau hàng ngày.
Thời điểm đó, có cả những người đang là giáo viên tại huyện đảo này cũng bỏ đi để làm “môi giới nhà đất”. Tuy nhiên cũng như bao cơn sốt đất khác, bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tan, khi con sóng qua đi hậu quả để lại là một lớp nhà đầu tư chậm chân phải chịu cảnh thua lỗ.
Theo lời kể của ông Lê Kiên, một môi giới lâu năm tại đây kể lại thì vào thời điểm đó có những người trót “đu đỉnh” đã phải chấp nhận bán lỗ tới 40 – 50% giá so với lúc mua để thoát hàng. Thời điểm năm 2018, những ai thực sự muốn ra hàng thì đa số vẫn thành công với mức cắt lỗ sâu, tuy nhiên nếu ai vẫn còn giữ lại cho tới cuối 2019 và đặc biệt trong năm vừa qua thì thật sự không thể bán nổi.
Trong bối cảnh ảm đạm về du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven biển bị suy thoái trầm trọng, Phú Quốc là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo khảo sát của phóng viên, nhiều lô đất sau khi trở về mức giá thực vào giữa năm 2019, tuy nhiên đến hiện tại phải tiếp tục chịu lỗ thêm từ 20 – 30% mới mong có giao dịch. Đơn cử như một lô đất có diện tích 250 m2 nằm tại khu Suối Đá, tại thời điểm sốt đất đã có người trả giá tới 3,6 tỷ đồng, tuy nhiên cho tới cuối năm 2019 thì chỉ còn 2,4 tỷ và mới đây thì vừa được giao dịch với mức giá 2,2 tỷ đồng.
Hệ lụy của việc đầu tư theo đám đông trong cơn sốt đất tại Phú Quốc là hiện vẫn có hàng trăm tỷ bị chôn vốn tại đây. Một nguyên nhân dẫn tới việc khó thoát hàng là do trong cơn say đất, nhà đầu tư mua cả những mảnh đất không có tính pháp lý khiến cho việc bán lại khi thị trường suy thoái là gần như không thể.
Các chuyên gia cho rằng với thị trường bất động sản mang tính đặc thù như Phú Quốc, nhà đầu tư cần phải “trường vốn” và xác định đầu tư dài hạn mới có thể hạn chế được rủi ro thua lỗ. Hiện tại ghi nhận vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư bị “mắc kẹt” từ những cơn sốt trước và họ chấp nhận chờ đợi thêm thời gian để có thể bán được giá hơn.
Với việc gần đây Phú Quốc đã chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, nhiều người đã lo lắng về một cơn sốt mới có thể sẽ xảy ra tại đây trong thời gian tới. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trên thực tế các vị trí có tiềm năng sinh lợi trong dài hạn ở Phú Quốc không thật sự nhiều và đa phần đều đã bị thâu tóm. Bài học từ cơn sốt năm 2017 - 2018 để lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị.